Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Văn nghệ quần chúng góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc

01/05/2021 | 17:08

Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, đội văn nghệ quần chúng được thành lập, thu hút đông đảo người dân tham gia. Với nhiều hoạt động phong phú, các đội VNQC không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hòa Bình: Văn nghệ quần chúng góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Đội văn nghệ xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại sự kiện chính trị của địa phương.

VNQC ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các địa phương. Việc bảo tồn, gìn giữ những làn điệu dân ca, dân vũ được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Các mô hình đội VNQC, CLB văn hóa văn nghệ... được duy trì, nhân rộng ở nhiều địa phương. Hàng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức, trong những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ - thể thao, thu hút đông đảo người dân đến xem, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân cư. Hầu hết các tiết mục mang đến hội thi, hội diễn đa dạng về thể loại, tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước, được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật tốt. Đặc biệt, nhiều đội văn nghệ đã khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa đâm đuống của dân tộc Mường, múa chuông của đồng bào Dao, mua khèn của dân tộc Mông... Chị Đinh Thị Đưn, đội văn nghệ xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng đều là những người có chung sở thích, đam mê với văn nghệ, nhất là văn nghệ truyền thống của dân tộc. Các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc được bà con nhiệt tình đón nhận. Để phong phú, đa dạng thêm nhiều bài hát, điệu múa, chúng tôi còn xem, nghiên cứu, tập luyện các bài hát, điệu múa mới đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Do đặc thù công việc nhà nông, nên chị em trong đội luôn tranh thủ thời gian rảnh cùng nhau tập luyện, để có những tiết mục văn nghệ hay biểu diễn phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.

Hiện nay, 100% thôn, xóm, khu dân cư trong tỉnh đều có đội văn nghệ, thường xuyên sinh hoạt, tập luyện để có các tiết mục mới, hay, hấp dẫn biểu diễn trong các dịp lễ, Tết. Nhiều đội văn nghệ chủ động mua thêm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ phục vụ việc tập luyện, biểu diễn từ các nguồn xã hội hóa. Hoạt động của các đội văn nghệ ở cơ sở không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho người dân, nhiều địa phương, các hội, đoàn thể thành lập các CLB văn nghệ, CLB bảo tồn văn hóa dân gian. Các đội văn nghệ bên cạnh việc tập luyện biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. Qua đó, nhiều loại hình văn nghệ dân gian, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển.

Chị Sùng Y Hạnh, thành viên đội văn nghệ xóm Trà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) chia sẻ: Chúng tôi đều là những người say mê ca hát, mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc. Tham gia vào đội văn nghệ, ngoài việc biểu diễn vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm hay các buổi họp, sinh hoạt của địa phương, chúng tôi còn biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm quan du lịch. Bằng những bài hát, điệu múa truyền thống, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá cho du khách về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Sức hấp dẫn của VNQC ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân ở các địa phương. Nhân dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×