Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch Covid-19

05/07/2022 | 10:30

Trở lại trạng thái bình thường mới trong một thời gian ngắn, hoạt động du lịch Hòa Bình đang có kết quả phục hồi ấn tượng. Các khu, điểm du lịch thu hút khách, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và dịp nghỉ hè. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh đón 1.680.000 khách du lịch, đạt 65,1% kế hoạch năm. Trong đó có 60.000 lượt khách quốc tế, 1.620.000 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước 1.900 tỷ đồng, thực hiện 79,2% kế hoạch năm.

Hòa Bình: Phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) hấp dẫn du khách trải nghiệm, khám phá.

"Gian nan thử sức”

Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, với hơn 100 di tích đã được xếp hạng, nhiều lễ hội dân gian các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Bên cạnh những giá trị văn hoá, tỉnh còn được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ, nhiều hang động đẹp và khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng. Đặc sắc hơn cả là có hồ Hòa Bình dung tích trên 9 tỷ m3 nước, tài nguyên phong phú, phong cảnh non nước hữu tình, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch (KDL) quốc gia… Những lý do trên đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài suốt hơn 2 năm đã ảnh hưởng lớn đến KT-XH của đất nước, của tỉnh. Trong đó, du lịch - ngành công nghiệp không khói phải hứng chịu tác động nặng nề. Có thời điểm, du lịch của tỉnh bị "đóng băng” do phải tạm dừng hoạt động đón khách để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê vào tháng 9/2021, có 95% doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú đóng cửa. Các khu, điểm du lịch vắng bóng khách kéo theo những dịch vụ: vận tải du lịch, nhà hàng, điểm vui chơi… phải tạm ngừng hoạt động. Cơ sở vật chất bị xuống cấp. Người lao động trong ngành du lịch, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp bị mất việc làm.

Hòa Bình: Phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Lễ hội Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2022 quảng bá tích cực cho du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.

Thích ứng linh hoạt nhằm từng bước phục hồi hoạt động, các khu, điểm du lịch vừa tích cực nắm bắt xu hướng thị trường khách để đưa ra các dịch vụ, sản phẩm phù hợp, vừa đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn dịch bệnh và cơ sở vật chất kỹ thuật. Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo chung của Chính phủ, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị thực hiện gói sản phẩm kích cầu đã công bố, đồng thời xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch mới, giới thiệu gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý, kèm theo những ưu đãi và cam kết của nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ. Chủ động tăng cường liên kết hợp tác phát triển hoạt động du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa khách về với Hòa Bình.

Các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện đúng cam kết công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc giảm giá nhưng không giảm chất lượng. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, dịch vụ tăng thêm, tri ân khách hàng bằng nhiều hình thức, kết hợp các yếu tố thực hiện ứng xử văn minh, lịch sự, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách, người lao động.

Vượt qua những thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến hàng hoá, chi tiêu của khách giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội, du lịch của tỉnh vẫn thu hút đáng kể khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2021, tỉnh đón gần 1.479.000 lượt khách, trong đó có gần 48.600 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 1.513 tỷ đồng. Tỉnh là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng khách khá ổn định, hoạt động du lịch không bị ngừng trệ quá lâu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Để du lịch tăng tốc phục hồi

Hòa Bình: Phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nhân viên khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway (Mai Châu) tiếp đón khách du lịch.

Từ những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, du lịch Hòa Bình đã tập trung ngay vào việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển các sản phẩm, dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để hoạt động du lịch mau chóng phục hồi. Tỉnh xúc tiến mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới với 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Triển khai các hoạt động trong chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực với phương châm "Liên kết, hành động và phát triển”. Hiệp hội Du lịch tỉnh hợp tác liên doanh, liên kết với doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Mới đây, UBND tỉnh và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airline) đã ký biên bản thỏa thuận Chương trình hợp tác toàn diện (giai đoạn 2022 - 2026). Hai tỉnh Hòa Bình - Bình Định ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026. Ngoài ra, tham gia chương trình tọa đàm với chủ đề "Mở cửa du lịch ở miền núi - Cơ hội và thách thức” của Đài Truyền hình Việt Nam; phối hợp sản xuất chương trình truyền hình "Tiềm năng tỏa sáng” phát sóng trên kênh văn hóa Việt (VTC 10).

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đánh dấu bước phục hồi mạnh mẽ của du lịch Hòa Bình. Nhiều khu, điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như: Mai Châu Hideaway, Avana Retreat, Mai Châu Ecolodge (Mai Châu); Serena Resort, An Lạc Ecofarm and Hot Spring, V’Resort Vĩnh Tiến (Kim Bôi); Hasu Villa (TP Hòa Bình); Ivory Villa & Resort, Sunset Villas & Resort (Lương Sơn)… có công suất sử dụng phòng rất cao, đạt tỷ lệ lấp đầy phòng vào tất cả các ngày cuối tuần. Các bản làng du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Cao Phong nhộn nhịp đón khách nội địa và nhiều đoàn khách quốc tế đến từ các nước Pháp, Anh, Ai Len, Bỉ…

Đáng chú ý, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức sự kiện, giới thiệu điểm đến du lịch mới hấp dẫn được tỉnh tăng cường. Các địa phương, doanh nghiệp du lịch chung tay liên kết hợp tác, khôi phục và đẩy mạnh phát triển sản phẩm, thị trường trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo các điều kiện đón khách quốc tế.

Thông điệp "Du lịch Hòa Bình, điểm đến an toàn - trải nghiệm trọn vẹn” được các địa phương, doanh nghiệp du lịch hưởng ứng. Tiêu biểu là ngay sau hội nghị kích cầu du lịch tỉnh, TP Hòa Bình đã phát động kích cầu du lịch với sản phẩm trải nghiệm du lịch thể thao dù lượn mới mẻ tại xã Quang Tiến; huyện Mai Châu khởi động lại và duy trì "Phiên chợ vùng cao"; huyện Lạc Thủy với chương trình trải nghiệm hành trình du lịch tâm linh; huyện Tân Lạc khai trương sản phẩm du lịch mùa hè năm 2022 với công viên nước, tái hiện chợ phiên dân tộc Mường, khám phá các di tích, danh thắng trên KDL hồ Hòa Bình…

Đặc biệt, trong tháng 5, với sự kiện Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) có nội dung xe đạp tổ chức tại Hòa Bình, tỉnh đã triển khai chuỗi hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hóa địa phương. Điểm nhấn là tuần lễ Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình, tiếp đón và chào mừng đoàn vận động viên đến từ các nước Đông Nam Á tham gia tour trải nghiệm miễn phí tại điểm đến Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, xã Bắc Phong (Cao Phong), giới thiệu tour thăm quan, du lịch trải nghiệm KDL hồ Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên đà phục hồi mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói, Hòa Bình tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững hậu đại dịch Covid-19. Tập trung vào việc thúc đẩy trải nghiệm du lịch đa dạng, thân thiện với môi trường; hỗ trợ KDL hồ Hòa Bình; tăng cường, mở rộng hợp tác du lịch với các tỉnh, liên kết với các đơn vị lữ hành; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, số hóa Cổng du lịch thông minh tỉnh; xây dựng ứng dụng nền tảng quản trị số và kinh doanh du lịch.

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×