Hòa Bình: Đầu tư thiết chế văn hóa góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
06/07/2021 | 10:06Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp, đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đang dần hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 4 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 10 nhà văn hóa cấp huyện, 120 nhà văn hóa cấp xã và 1.550 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố.
Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã làm tốt công tác quy hoạch, bố trí 20 ha quỹ đất để đầu tư thiết chế văn hóa, bao gồm nhà văn hóa và công viên cây xanh và khu vui chơi công cộng. Một số thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Cung Văn hóa, Bảo tàng, Thư viện, Hội chợ và Triển lãm được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Chất lượng các công trình cơ bản đáp ứng hoạt động chuyên môn, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Cùng với đó, các thiết chế văn hóa huyện, thành phố thường xuyên được đầu tư. Nhờ đó, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động. Hiện nay, các địa phương đã hình thành 10 đội tuyên truyền lưu động, có xe ô tô chuyên dụng để thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trên địa bàn. Nhìn chung các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để mở rộng thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Tuy nhiên loại hình thư viện cấp huyện lại chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Hầu hết các thư viện nằm trong Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thông hoặc phòng Văn hóa và Thông tin. Do đó, chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị trưng bày sách và phục vụ bạn đọc, làm việc tra cứu thông tin của độc giả bị hạn chế.
Theo thống kê, năm 2020, toàn tỉnh có 81% nhà văn hóa cấp xã đạt chuẩn quy định về tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 100% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa. Với mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đầy đủ, đồng bộ, đã cân đối nhu cầu hưởng thụ giá trị tinh thần của nhân dân. Một điểm phát sinh sau khi sáp nhập là tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Mặc dù tỉnh đang dôi dư 135 nhà văn hóa, nhưng nhà văn hóa thực hiện chức năng có diện tích không đáp ứng nhu cầu. Để tránh lãng phí cơ sở vật chất, các địa phương đang căn cứ vào hiện trạng nhà văn hóa để chỉ đạo cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, đồng thời giữ nguyên hiện trạng nhà văn hóa cũ để phục vụ hoạt động của người cao tuổi, thanh thiếu nhi, hoặc tổ chức thành phòng đọc sách báo của xóm, tổ dân phố.
Để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, các cơ quan chức năng trong tỉnh luôn quan tâm, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, cũng như kịp thời giải quyết kinh phí, tạo điều kiện để hệ thống cơ sở văn hóa hoạt động chất lượng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể văn hóa. Đến nay, tỉnh ta có 1.482 đội văn nghệ thôn, xóm, tổ dân phố với trên 15.000 diễn viên quần chúng thường xuyên hoạt động trong các thiết chế văn hóa. Đây được xem là hạt nhân trong phong trào văn hóa tại cơ sở.
Các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, là trung tâm học tập cộng đồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân. Nhiều lớp học, câu lạc bộ được mở ra để truyền dạy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc đến thế hệ trẻ. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, góp phần giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời đại mới./.