Hòa Bình: Chú trọng liên kết phát triển sản phẩm du lịch
23/08/2020 | 21:13Hoạt động liên kết phát triển trong những năm qua được tỉnh chú trọng, góp phần khai thác tiềm năng du lịch, đẩy nhanh các chỉ tiêu về khách du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, phát triển KT-XH các địa phương.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết: Tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang; thực hiện liên kết hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sở VH-TT&DL cũng phối hợp Sở Du lịch Hà Nội đón tiếp đoàn đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần cho khách du lịch Nga đến thăm công trình thủy điện Hòa Bình và khu vực hồ Hòa Bình; phối hợp với Sở Du lịch Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Bắc tổ chức hội nghị gặp gỡ đối tác doanh nghiệp nhằm chia sẻ, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm và đưa du khách đến Hòa Bình…
Hoạt động trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý và phát triển du lịch và sự hợp tác chặt chẽ giữa 8 tỉnh được đánh giá cao. Qua đó, góp phần liên kết phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của khu vực, dựa trên trên cơ sở tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng. Các tỉnh đã tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, xây dựng Bộ thương hiệu du lịch chung của khu vực. Tỉnh đã tham gia chương trình mở rộng liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc. Trong đó đã phối hợp triển khai kế hoạch khảo sát đánh giá tiềm năng, thực trạng và liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình. Đặc biệt đã phối hợp Tổng cục Du lịch và các tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông, báo chí đã khảo sát sản phẩm du lịch các tuyến, điểm du lịch dọc sông Đà… nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch.
Các công ty lữ hành cho rằng: Tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện cảnh quan tự nhiên, văn hóa các dân tộc, lại kề cận với các thị trường lớn để có thể phối hợp xây dựng các tour, tuyến, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng các phân khúc khách hàng. Các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch đóng góp nhiều ý kiến bổ sung, đồng bào các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền, hấp dẫn du khách. Nhiều điểm du lịch trên hồ Hòa Bình mang lại cảm nhận tốt đẹp đối với các công ty du lịch lữ hành như: Khu vực xóm Ké, xóm Đá Bia, nay là xóm Đức Phong (Đà Bắc); xóm Ngòi (Tân Lạc)…
Năm 2020, nội dung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh hoàn thiện các kế hoạch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên tuyến đường thủy với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, cùng các giá trị văn hóa độc đáo của Tây Bắc mở rộng, bao gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch (trong đó tổ chức đón đoàn Famtrip kết nối các tuyến, điểm du lịch mới vùng Tây Bắc theo hành trình Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội); tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổ chức đoàn học tập mô hình phát triển du lịch tại một số tỉnh trong khu vực); tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Tham gia một số hội chợ, liên hoan và các sự kiện du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường du lịch như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM năm 2020 tại TP. Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh… hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương, với việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam…
Các tỉnh cũng đề xuất với Trung ương có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch, xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá, các sự kiện thu hút khách du lịch…