Hồ Chí Minh - Chân dung một con Người đẹp nhất
16/05/2019 | 16:59"Không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả"…
Nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019); Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Trưng bày chuyên đề Hồ Chí Minh, chân dung một con Người nhằm làm rõ hơn các giá trị văn hóa, di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc.
Với gần 200 tài liệu, hiện vật, ảnh tiêu biểu được lựa chọn, thể hiện ở 2 nội dung: Hồ Chí Minh - trọn đời vì nước vì dân và Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại, trưng bày đã góp phần giúp công chúng có cái nhìn khái quát nhất, cụ thể nhất, vĩ đại nhất song cũng đời thường nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Chân dung một con Người đẹp nhất
Áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyên góp cho Tuần lễ mùa đông binh sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Tuyên truyền ở Hà Nội năm 1946
Năm 1946, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tiễn Người đi thăm nước Pháp tổ chức ở Việt Nam học xá, Hồ Chí Minh nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân; Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào trốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Bất kì ở đâu, bất kì lúc nào, tôi cũng chỉ có một tâm nguyện: làm cho ích quốc, lợi dân".
Trong giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2014 đánh giá: "Cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là một chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ. Hai lần ngồi tù, một lần bị tuyên án tử hình, có giai đoạn hoạt động sôi nổi, được đánh giá rất cao, có giai đoạn bị hiểu lầm, nghi kị, không được giao nhiệm vụ… Song nhờ ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, kiên cường, chủ động vượt qua thử thách, gian nguy, kiên trì mục đích sống, bảo vệ chân lí, giữ vững quan điểm cách mạng của mình".
Từ lúc thiếu niên cho đến khi về với cõi người hiền, Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, người dân làm nô lệ, Hồ Chí Minh từ một người yêu nước đã trở thành người cộng sản. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đi đến nhiều nơi ở các châu lục trên thế giới, làm nhiều nghề lao động khác nhau vừa để kiếm sống, vừa hoạt động. Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, Bác luôn có hoài bão Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, Người chỉ có một ham muốn, "ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Lọ cắm hoa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958
Bác đã dành trọn cả cuộc đời phấn đấu vì nước, vì dân. Với đạo đức trong sáng, tác phong khiêm tốn, giản dị, Bác Hồ đã trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Bác Hồ trong trái tim nhân loại
Năm 1987, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỉ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ Nê-Ru từng nhận xét "Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta". Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khơ-rút-xốp, trong hồi kí của mình đã coi Hồ Chí Minh là "Vị Thánh cách mạng, vị thánh của Chủ nghĩa cộng sản". Ông giải thích: "Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả".
Cờ bình dân học vụ- tặng phẩm của đồng bào Nam Bộ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954
Trưng bày thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và sau khi đất nước giành được độc lập: hoạt động phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, suốt cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân. Những hiện vật tiêu biểu gồm có bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hoặc đánh máy trên nhiều loại giấy khác nhau. Trong đó, có một số hiện vật là Bảo vật quốc gia như: sách "Đường Kách mệnh", tác phẩm "Ngục trung nhật ký", bút tích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Ngoài ra, còn có những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: vali, bát đũa, nồi cơm, hòn đá, quần áo, máy chữ... thể hiện cuộc sống giản dị mà rất gần gũi với nhân dân của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Những món quà tặng của nhân dân Việt Nam như: Áo, cờ thi đua, bức vẽ, thêu, ấm chén, túi, khăn đội đầu, vòng, quả còn... hay quà tặng của chính phủ, nhân dân thế giới: Lục bình, tượng gỗ, bộ đồ ăn bằng bạc, bình đựng rượu, mô hình tháp Epphen... thể hiện tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, chí công vô tư của một người cộng sản. Qua đó, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưng bày chuyên đề "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" sẽ diễn ra tại phòng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiến, Hà Nội từ ngày 17/5/2019 đến hết tháng 8/2019. Trưng bày gồm hai phần: Hồ Chí Minh- trọn đời vì nước vì dân; Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại. Thông qua những tài liệu, hình ảnh, hiện vật, trưng bày khắc họa một cách sống động, chân thực cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại và gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, chí công vô tư của một người cộng sản-biểu tượng cho mọi thế hệ người Việt Nam, hôm nay và mai sau.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2019); 50 năm thực hiện di chúc của Người; tiếp tục thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".