Hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải trước khi tu bổ, phục hồi và tôn tạo giai đoạn 2
28/05/2022 | 16:59
Chính quyền Đà Nẵng đã quyết định chi thêm 84 tỷ đồng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019 - 2024). Di tích này sắp bước vào cuộc tu bổ, tôn tạo lịch sử nhằm phát huy tối đa giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội; bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.
Đồng thời, dự án tạo nên một không gian lịch sử, không gian trưng bày, kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng (mới) và các địa điểm di tích khác, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, du lịch trên cơ sở phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của TP Đà Nẵng.
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2 do Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng quản lý dự án; thời gian thực hiện năm 2019-2024. Đơn vị tư vấn lập dự án là Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTTDL); đơn vị tư vấn thẩm tra dự án là Trung tâm Bảo tồn di tích và Di sản Kiến trúc (Viện Kiến trúc Quốc gia).
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2 được tiến hành trong phạm vi khuôn viên di tích Thành Điện Hải có tổng diện tích 26.519m2...
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sau khi hoàn thành tu bổ, phục hồi, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sẽ là địa chỉ đỏ với công trình kiến trúc thành phòng thủ thời Nguyễn và được xem là bảo tàng lịch sử những năm 1958-1960, giai đoạn kết nối chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cách mạng.
Trong giai đoạn 2, ngành chức năng sẽ sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công (gồm 14 khẩu hiện có tại Bảo tàng Đà Nẵng và 2 khẩu sẽ thu hồi ở Thư viện Khoa học tổng hợp)...
Máy bay trực thăng UH-1 được quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam. Máy bay này do quân ta thu được trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 tại căn cứ Sân bay Đà Nẵng, sẽ được di dời khỏi khuôn viên thành Điện Hải.
Cổng thành phía Đông sẽ được phục dựng lại, cùng với phục dựng cầu phía cổng Tây; phục dựng Kỳ đài ở phía Nam...
Cổng thành phía Nam...
Trong giai đoạn 2, tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương (hiện đặt ở cổng phía Đông đi vào di tích) cũng sẽ được tôn tạo lại và được đặt ở vị trí phù hợp với không gian chung của di tích.
Trong giai đoạn 1 (2017 - 2019), TP Đà Nẵng cũng đã chi hơn 110 tỷ đồng để di dời 80 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước ra khỏi di tích; khôi phục toàn bộ hệ thống tường cao hào sâu, làm công viên cây xanh phía bắc và phía Tây thành Điện Hải…
Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay. Và đến năm 1835, Đồn Điện Hải được đổi tên là Thành Điện Hải. Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 công nhận Thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đức Hoàng