Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hiệu quả từ liên kết phát triển du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng

10/05/2024 | 10:44

Thành công của liên kết, hợp tác du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng một lần nữa được khẳng định tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng diễn ra đầu tuần nay tại TP.Đà Nẵng.

Hiệu quả từ liên kết phát triển du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng - Ảnh 1.

Du lịch Quảng Nam hưởng lợi rất nhiều từ liên kết, hợp tác với TP.Đà Nẵng.

Sở hữu những lợi thế về hạ tầng dịch vụ vận chuyển, Đà Nẵng đóng vai trò như cửa ngõ vào miền Trung của du khách trong và ngoài nước. Ước tính khoảng 90% khách quốc tế du lịch Quảng Nam đến từ sân bay, cảng biển và nhà ga Đà Nẵng.

Cùng hưởng lợi

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định, quá trình hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, trọng tâm là Đà Nẵng và Quảng Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được Bộ VHTTDL cũng như Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đánh giá là mô hình liên kết hiệu quả nhất trong các mô hình liên kết hiện nay ở Việt Nam. Dễ thấy nhất là chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, thực hiện chương trình kích cầu du lịch, hỗ trợ quảng bá hình ảnh điểm đến chung, kể cả phối hợp tổ chức một số sự kiện, xây dựng các sản phẩm bổ trợ cho nhau không trùng lặp... Chính vì vậy, sau đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng là những nơi có tốc độ phục hồi nhanh so với cả nước.

Quay lại năm 2002 khi ý tưởng thiết lập “Con đường di sản thế giới” ở miền Trung được ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng lúc bấy giờ đưa ra dựa trên những lợi thế văn hóa, thiên nhiên, biển đảo của cả vùng, nhất là các di sản văn hóa thế giới (kinh thành Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn). Từ ý tưởng này, tháng 12/2006 ngành du lịch Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đã ký biên bản hợp tác liên kết du lịch hướng đến mục tiêu xây dựng 3 địa phương thành một điểm đến chung.

Sau gần 20 năm kể từ khi mối liên kết du lịch trở thành hiện thực, du lịch 3 địa phương, đặc biệt Quảng Nam, Đà Nẵng đã có những chuyển biến mạnh mẽ để trở thành trung tâm du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, hai địa phương đều hưởng lợi từ mối liên kết này, nhất là Quảng Nam khi gần 50% du khách quốc tế đến Đà Nẵng đi thẳng vào Hội An. Ngoài ra, một bộ phận du khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng cũng chọn Quảng Nam ở lại một đêm.

“Hiện tại, mỗi ngày có 53 chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng và rất nhiều du khách quốc tế vào Hội An, nên có thể nói Quảng Nam hưởng lợi rất lớn từ việc mở các đường bay trực tiếp của Đà Nẵng” - Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng

Thực tế, không riêng Quảng Nam được hưởng lợi, điểm đến Đà Nẵng cũng trở nên hấp dẫn, phong phú hơn nhờ các các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, sinh thái... của Quảng Nam, nhất là sức hút của các điểm du lịch Hội An (phố cổ, rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà…)

Đa dạng hợp tác

Dù đạt nhiều thành công, nhưng mối liên kết du lịch thời gian qua vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khi một số dự án về khớp nối hạ tầng du lịch 2 địa phương chưa thể hiện thực. Cụ thể là dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối cửa khẩu quốc tế Nam Giang nhằm đẩy mạnh khai thác khách đường bộ từ Lào, Thái Lan vào Đà Nẵng, Quảng Nam hay đẩy nhanh tiến độ dự án khai thông sông Cổ Cò và hạ tầng dọc 2 bên bờ sông chưa hoàn thành.

Hiệu quả từ liên kết phát triển du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng - Ảnh 3.

Hoàn thành dự án nạo vét khơi thông dòng sông Cổ Cò sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch đường sông kết nối 2 địa phương.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận, hai địa phương cần tăng cường hơn nữa quá trình hợp tác liên kết như xây dựng và công bố các chiến dịch truyền thông chung 2 điểm đến; nghiên cứu tổ chức một số sự kiện lễ hội chung trên cơ sở kết nối về mặt thời gian và các sản phẩm du lịch. Miễn phí quảng bá trực quan những lễ hội, sự kiện 2 địa phương tại các tuyến đường Quảng Nam, Đà Nẵng trong một số thời điểm; hỗ trợ nguồn lực để mở đường bay trực tiếp vì điều này có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch 2 địa phương.

“Một số thị trường khách rất quan tâm đến Đà Nẵng, Quảng Nam như Úc, Ấn Độ, Indonesia nên việc mở đường bay sẽ rất tiềm năng nhưng phải có nguồn lực nên cần sự hỗ trợ từ chính quyền 2 địa phương cũng như sự đóng góp của doanh nghiệp trong năm đầu tiên để mở những đường bay này” - bà Hạnh đề xuất.

Ngoài ra, Quảng Nam và Đà Nẵng có thể hỗ trợ đăng cai tổ chức hội chợ du lịch quốc tế tại từng nơi, kết nối doanh nghiệp 2 địa phương với đối tác trong nước, quốc tế. Tăng cường liên kết trong quy hoạch; trao đổi thông tin trong định hướng phát triển du lịch, nhất là phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với tiềm năng lợi thế từng địa phương; phối hợp nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, các tour du lịch liên kết danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nhất là những địa chỉ đỏ. Định kỳ hằng năm, trao đổi thông tin về thời gian tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch, tránh sự trùng lắp sản phẩm, cạnh tranh giữa hai địa phương.

Đặc biệt, đẩy mạnh kết nối khai thác du lịch đường thủy đường bộ, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sắt. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Đà Nẵng đang tiến hành làm việc với Tập đoàn Sungroup và Vietravel để thuê charter hành trình đường sắt xuyên Việt nhằm mang đến trải nghiệm mới cũng như có thêm một sản phẩm du lịch khai thác hơn nữa lượng khách tới 2 địa phương.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×