Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở Đồng Nai

20/08/2020 | 15:55

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng mô hình các CLB, đội, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ).

Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Hằng tháng, các thành viên của địa chỉ tin cậy cộng đồng KP.4 (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: L.Na

Nhờ vậy, người dân đã có thêm cơ hội để nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của gia đình. Những bất hòa, rạn nứt trong hôn nhân dần được hóa giải, những xung đột, bạo lực trong từng gia đình dần được đẩy lùi.

* Nhiều điểm sáng...

H.Trảng Bom là một trong những điểm sáng về phong trào phòng chống BLGĐ ở Đồng Nai. Hơn 10 năm nay, các nhóm phòng chống BLGĐ, CLB gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy cộng đồng... đã được thành lập và đi vào hoạt động, đem lại những hiệu quả tích cực. Các mô hình đã và đang giúp gắn kết mối quan hệ gia đình cho các cặp vợ chồng có những bất hòa, rạn nứt trong hôn nhân, đẩy lùi những xung đột, BLGĐ. Hiện H.Trảng Bom có 71/71 ấp, khu phố có nhóm phòng chống BLGĐ, 80 CLB gia đình phát triển bền vững và 109 địa chỉ tin cậy cộng đồng.

CLB Nam giới nói không với BLGĐ TT.Trảng Bom thành lập năm 2015 và hiện có 15 thành viên là nam giới. Trước đây, các thành viên trong CLB còn khá nặng nề về vai trò giới, gia trưởng, ít quan tâm tới vợ con thì giờ đây họ đã thay đổi nhận thức, luôn đi đầu, nêu gương. Anh Hà Thanh, thành viên CLB cho biết, từ khi tham gia CLB, anh hiểu và nhận thức đúng đắn hơn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới. Anh Thanh học được nhiều kỹ năng ứng xử trong gia đình, đồng thời giúp những người xung quanh anh hiểu BLGĐ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu vi phạm.

Sở VH-TTDL đã có kế hoạch tổ chức Liên hoan CLB Nam giới nói không với BLGĐ vào ngày 18-9 tại hội trường Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai. 11 CLB tiêu biểu đại diện cho 11 huyện, thành phố trong tỉnh sẽ tham gia các phần thi chào hỏi, tiểu phẩm và phần kiến thức... Từ đó, nâng cao nhận thức của nam giới về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới để thay đổi kỹ năng, hành vi ứng xử trong gia đình.

Anh Hà Thanh bộc bạch: “Nam giới không chỉ biết bảo vệ hạnh phúc gia đình mà họ còn bảo vệ những người phụ nữ xung quanh thông qua việc thuyết phục, vận động những nam giới khác nói không với BLGĐ. Nhiều năm nay, CLB Nam giới nói không với BLGĐ TT.Trảng Bom đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, giúp nhiều người đàn ông hiểu được giá trị của hạnh phúc gia đình, tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết những khó khăn của mình thay vì sử dụng bạo lực”.

Cùng với CLB Nam giới nói không với BLGĐ, mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tại TT.Trảng Bom, điển hình là ở KP.4 và KP.5. Trưởng nhóm địa chỉ tin cậy ở KP.4 Hoàng Bá Quyết cho biết, mô hình được thành lập từ năm 2009, hoạt động trên tinh thần tự nguyện tiếp nhận nạn nhân bị BLGĐ. “Nếu như 10 năm trước, ngày nào ở khu phố cũng có gia đình đánh nhau thì từ khi mô hình địa chỉ tin cậy ra đời, các vụ BLGĐ đã giảm đi rõ rệt. Nhiều vụ BLGĐ mới chớm hình thành cũng được nhóm giải quyết kịp thời, giúp các cặp vợ chồng hòa giải, hàn gắn tình cảm...” - ông Quyết chia sẻ.

Từ năm 2011, mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng, điểm tạm lánh được UBND tỉnh xây dựng, chỉ đạo triển khai và nhân rộng. Hầu hết các mô hình được đặt tại nhà trưởng ấp, trưởng khu phố, cán bộ chủ chốt các đoàn thể như: Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh... Gia đình chị Nguyễn Thị Đào (Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) được lựa chọn để làm địa chỉ tin cậy, “đường dây nóng” của các hộ dân trong xã nhiều năm nay. Chị Đào cho biết, bất kể việc gì, từ trong ấp có xích mích, đánh nhau cho đến BLGĐ, mọi người liền tìm gọi đến chị để được tư vấn, giải quyết mọi chuyện. Chị luôn sắp xếp thời gian, công việc, có mặt kịp thời chẳng quản nửa đêm, gà gáy hay trời mưa to, gió lớn.

Theo chị Đào, các mô hình phòng, chống bạo lực ở xã Hàng Gòn bên cạnh tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ các gia đình khi có bạo lực, các thành viên của các CLB, đội nhóm còn vận dụng linh hoạt nhiều phương thức hoạt động. Hội viên tích cực nuôi heo đất, góp vốn hằng tháng... hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Tuy số tiền đóng góp không nhiều nhưng tích tiểu thành đại. Nhờ có nguồn vốn quyên góp hằng tháng, các hộ nghèo vừa có vốn làm ăn, vừa có tiền lo cho gia đình. Từ đó, những mâu thuẫn hay BLGĐ đã được kéo giảm” - chị Đào nói.

* Nhân rộng các mô hình

Sở VHTTDL Đồng Nai cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 3 ngàn mô hình phòng chống BLGĐ. Trong đó, có 793 CLB gia đình phát triển bền vững, 1.007 nhóm phòng chống BLGĐ, 59 CLB Nam giới nói không với BLGĐ, 1.150 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 171 điểm tạm lánh... Từ các mô hình này, ngành chức năng đã phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ thoát khỏi nguy hiểm trước mắt.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL) Trần Anh Thơ, thời gian vừa qua, công tác gia đình, phòng chống bạo lực đang có nhiều chiều hướng tích cực. Việc thành lập mới các CLB, đội nhóm, duy trì bền vững các mô hình đã tạo sức lan tỏa và sự đồng lòng của người dân, nhất là những người trực tiếp làm công tác gia đình tại các ấp, khu phố. Không chỉ kịp thời phát hiện, can thiệp, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp khi xảy ra bạo lực trên địa bàn mà các mô hình còn xây dựng nhiều phong trào, hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình cũng như nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng và của mỗi người dân qua các kênh tuyên truyền. Tiếp tục, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình; lồng ghép công tác phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Ngoài ra, chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng, vai trò của họ hàng, dòng họ; tổ chức những khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, nhất là ở cơ sở... Qua đó, có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm kéo giảm BLGĐ và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo Ly Na, Báo Đồng Nai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×