Hiện trạng sản phẩm du lịch nông thôn của Hòa Bình
22/12/2021 | 11:27Trong những năm qua, du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương của Hòa Bình, hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú. Có thể kể đến Khu du lịch Mai Châu, Khu DL Hồ Hòa Bình, các điểm du lịch cộng đồng tại Cao Phong, Tân Lạc… là những địa chỉ rất thu hút du khách.
Số lượng khách ở mảng DL nông thôn năm 2019 (Tính đến thời điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch covid 19, số khách là gần 500 triệu lượt trên tổng số 3,2 triệu lượt khách của tỉnh HB; 15,1 % trong đó có 243.000 khách quốc tế. Tổng doanh thu ở mảng du lịch cộng đồng đạt 415 tỷ/ 2.073 tỷ doanh thu du lịch của tỉnh (chiếm 16%,), tạo việc làm cho hơn 1000 lao động trong đó có 800 lao động trực tiếp. Du lịch Cộng đồng ở Hòa Bình đã có thương hiệu, và được nhiều du khách quốc tế rất yêu thích.
Có thể khẳng định rằng, loại hình du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, nông nghiệp nông thôn hiện đang là xu thế, đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Phát triển du lịch biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Và trong điều kiện cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, với nông nghiệp nông thôn là hợp lý và cần thiết, thúc đẩy kinh tế du lịch song hành cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Để phát triển loại hình du lịch này, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt, để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với chương trình xây dựng nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, trong đó, chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Hòa Bình.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phát triển du lịch nông thôn tại khu vực miền núi, miền đồng bào dân tộc tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã bắt đầu phải đương đầu với một số khó khăn, thách thức và bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần phải khắc phục như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được đầu tư đúng mức; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được động lực để khách du lịch lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn; liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Để phát huy tốt lợi thế đặc biệt là việc gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Hòa Bình đưa ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 230 cơ sở lưu trú cộng đồng, đón 945 000 khách; năm 2030 thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt 300 cơ sở Lưu trú CĐ để đón 1,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 20% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh; hỗ trợ xây dựng được 20 điểm du lịch cộng đồng; 30 sản phẩm hàng Lưu niệm - Nội thất - Trang trí về lĩnh vực du lịch đạt từ 3 sao đến 5 sao theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP; hỗ trợ nhân rộng thêm một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngay từ bây giờ, tỉnh đang quan tâm triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ và như: Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch đang hoạt động và các điểm đã được phê duyệt trong quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp; xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng tới các thị trường khách quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình..
Hi vọng, với việc triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, du lịch nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cất cánh, ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững.