Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất nằm trong khu vực Đại Nội Huế, trải qua thời gian dài, công trình này hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, có vị trí nằm ngay nền Đại Cung Môn ngày nay. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho dời dựng và cải tạo điện Thái Hòa, nằm ngay sau Ngọ Môn và trước mặt Đại Cung Môn.
Là ngôi điện quan trọng nhất nằm trong khu vực Đại Nội Huế, điện Thái Hòa là nơi dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như lễ đăng quang, sinh nhật vua... các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mùng một và 15 âm lịch hàng tháng.
Rộng 1.440m2, điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiến trúc theo lối “trùng thiềm điệp ốc” (hai bộ mái trên một mặt nền), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly, giữa đặt ngai vàng (bảo vật quốc gia) nằm dưới hệ thống bửu tán bằng gỗ thếp vàng...
Trải qua thời gian dài tồn tại, sau nhiều lần được trùng tu, điện Thái Hòa vẫn giữ được nét uy nghi. Tuy nhiên, hiện nay công trình đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhất là từ sau mùa mưa lũ năm 2020.
Vào đợt bão cuối tháng 9/2020, phần mái của ngôi điện bị sụp, hiện phải dùng mái tôn để lợp tạm thời.
Do xuống cấp, hư hỏng nặng nên nhiều năm qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã dùng hệ thống cột sắt để gia cố, chống đỡ.
Cột bằng gỗ lim sơn son thếp vàng bị hư hỏng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giữ lại bên trong điện Thái Hòa.
Trước thực trạng xuống cấp, hư hỏng của điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lên kế hoạch trùng tu tổng thể. Chính phủ cũng đã đồng ý hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) bị hư do bão lũ.
Để việc trùng tu được đảm bảo chính xác, trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đang lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hoá Huế, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích trước khi thực hiện.
Công trình điện Thái Hòa được xem là công trình đặc biệt quan trọng trong tổng thể của Đại Nội Huế hiện nay và có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Lê Chung