Hiến kế cho du lịch Quảng Nam
26/02/2024 | 11:15Cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo hơn 50 doanh nghiệp du lịch đã tham gia buổi gặp mặt đầu xuân với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp lãnh đạo tỉnh gặp gỡ trực tiếp cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam kể từ sau đại dịch COVID-19.
Sự kiện không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đến cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mà còn là cơ hội để người đứng đầu UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn, giải đáp những vướng mắc, đặc biệt lắng nghe ý kiến hiến kế từ phía doanh nghiệp nhằm xây dựng điểm đến Quảng Nam ngày càng hấp dẫn, văn minh.
Tận dụng tiềm năng biển
Theo ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Shore Club An Bang Beach, Quảng Nam cần sắp xếp lại không gian biển, tạo ra những khu vui chơi, giải trí hoặc những câu lạc bộ biển xứng tầm phục vụ như cầu nghỉ dưỡng của người dân và du khách trong nước, quốc tế.
“Hiện tại, sản phẩm du lịch ở Hội An chủ yếu phục vụ khách châu Âu, trong khi khách châu Á như Hàn Quốc rất quan tâm đến thể thao biển nhưng từ sau dịch COVID-19 đến nay chúng ta hầu như không có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu này nên đa số khách đổ ra các bãi biển Đà Nẵng, do đó tỉnh cần có chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển các môn thể thao biển” - ông Thuận đề xuất.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quốc Việt - chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế biển, Hội An cần quy hoạch xây dựng một công viên bảo tồn biển và nghề cá Quảng Nam, bên trong bố trí thêm nhà hát trình diễn các tác phẩm dân ca dân vũ Quảng Nam. Vị trí có thể tại khu cồn cát gần góc đường Hai Bà Trưng - Lạc Long Quân.
Riêng với hoạt động thể thao nước, nên phát triển các môn thể thao cảm giác mạnh như lướt sóng tại khu vực Nam Hội An, biến những hạn chế mùa đông thành lợi thế của du lịch biển vì thời điểm này sóng lớn phù hợp môn thể thao lướt sóng, giúp thu hút khách đến Hội An, Quảng Nam nhiều hơn.
Tại buổi gặp mặt, hầu hết ý kiến doanh nghiệp đều khẳng định, Hội An, Quảng Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù như tổ chức lễ hội đèn trời vào tháng 7 âm lịch, hội thi múa lân, sư rồng trong tháng 8 âm lịch (tương tự hội thi bắn pháo hoa Đà Nẵng), kể cả xây dựng Hội An trở thành “thành phố không trả giá” mang tính thương hiệu trong nước và toàn cầu, du khách có thể an tâm khi mua bất cứ hàng hóa gì từ sản phẩm đường phố đến các shop hàng, cửa hiệu, kích thích khách tiêu dùng, mua sắm.
Đặc biệt, với việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An cũng có thể nghiên cứu quy hoạch một không gian nghệ thuật mang tính toàn cầu mời nghệ sĩ trên thế giới đến sáng tác, sáng tạo và trưng bày tác phẩm của mình. Qua đó lan tỏa, quảng bá hình ảnh Hội An ra bên ngoài, giúp thu hút lượng lớn du khách đến Quảng Nam, nhất là phân khúc khách cao cấp.
Sẽ nghiên cứu triển khai
Thực tế cho thấy, trước những áp lực, cạnh trạnh của các điểm du lịch trong vùng thời gian qua, việc nâng cấp, đổi mới sản phẩm du lịch, dịch vụ trở thành yêu cầu mang tính cấp thiết nhằm không chỉ tạo ra sức hút mới mà còn hiện thực mục tiêu giảm áp lực lên phố cổ Hội An.
Theo ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Du lịch Jack Tran Tours, tỉnh và thành phố nên quan tâm đầu tư xây dựng làng chài Cửa Đại (phường Cửa Đại) thành một ngôi làng bích họa như làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ) nhằm giúp du khách hiểu hơn về một không gian văn hóa làng nghề hơn 400 năm tuổi, nơi khách có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa địa phương như đan lưới, bắt cá, trồng dừa nước, nghe hát bả trạo…, đồng thời mở ra sinh kế cho người dân có cơ hội làm du lịch.
Cạnh đó, đẩy mạnh công tác marketing du lịch dựa vào tâm lý và nhu cầu thị trường khách theo từng thời điểm nhất định. Nghiên cứu phát triển quà tặng lưu niệm gắn với các sản phẩm OCOP, kể cả xây dựng chiến lược Made in Hoi An hoặc Made in Quang Nam, giúp khách tăng sự lựa chọn mua sắm, nhất là với những quà tặng đặc trưng Quảng Nam…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế thuần túy mà thông qua đó còn quảng bá hình ảnh, giá trị của vùng đất từ con người đến tài nguyên bản địa, thiên nhiên, văn hóa…
Hội An có một lợi thế vô cùng to lớn là các di sản văn hóa, thiên nhiên. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền thì chính người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước quốc tế đã giúp Hội An có được như ngày hôm nay.
“Một số ý kiến có thể hơi thẳng thắn nhưng chúng ta cần phải lắng nghe, tiếp thu chọn lọc, nhanh chóng triển khai để biến thành những sản phẩm cụ thể.
Kết quả ban đầu có thể chưa như mong muốn nhưng chúng ta vừa làm vừa tiếp thu, rút kinh nghiệm. Địa phương sẽ đồng hành với doanh nghiệp cùng hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu điểm đến Hội An, Quảng Nam bền vững, thu hút khách đến đông hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.