HĐND TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa
09/12/2019 | 08:53Chiều 8/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX bước vào phiên thảo luận tại hội trường để tìm ra giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn.
Di sản văn hóa đang... “biến mất”
Theo các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, di sản văn hóa ở TP Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc để phát triển du lịch; tuy nhiên công tác tu bổ, tôn tạo các di sản này còn chậm trong khi chúng đang trong tình trạng xuống cấp nhanh.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Các di sản văn hóa tại TP Hồ Chí Minh khá phong phú, tuy nhiên có giai đoạn chúng ta khá lúng túng trong công tác quản lý di sản, gần như buông xuôi khiến các công trình kiến trúc văn hoá, di tích lịch sử xuống cấp, thậm chí biến mất nhanh chóng. Trước thực trạng biến mất của nhiều di sản, Ban Tuyên giáo đã nhận được nhiều đơn kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa, đội ngũ làm công tác di sản văn hóa... để khôi phục và giữ gìn các di sản văn hóa hiện có”.
Theo ông Khuê, di sản và kiến trúc đô thị chính là “phần hồn” của TP Hồ Chí Minh, nếu nhìn đó là sự lạc hậu cần phá dỡ thì đó là một sai lầm và sẽ có lỗi với các di tích lịch sử và thế hệ tương lai. Vì vậy, các nhà quản lý cần tăng cường quảng bá để mọi người dân hiểu được về giá trị của “phần hồn” thành phố, để cùng thành phố tham gia vào bảo tồn các di sản văn hóa.
Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cũng cho rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác kiểm kê các biệt thự cổ trước năm 1975 dù đã có chủ trương nhưng đến nay khâu triển khai còn chậm. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực làm việc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ nên khó trong công tác bảo tồn. Vì vậy, ngành văn hóa và Thành phố cần quan tâm hơn, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết TP Hồ Chí Minh đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một đô thị lớn, do đó vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp. Cụ thể, các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Hệ thống luật pháp, chính sách bảo tồn di sản văn hóa chưa được phổ biến rộng rãi; việc tuân thủ luật pháp của một bộ phận người dân, của nhà đầu tư chưa tốt; việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản đô thị còn chậm so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
“Đầu tư” cho công tác bảo tồn
Liên quan đến vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa gắn với cảnh quan đô thị, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho biết năm 2013, Thành phố đã có quyết định bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị. Qua gần 7 năm, đến nay, quy định đã hết hạn và kết quả triển khai còn khá khiêm tốn khiến nhiều công trình, di sản văn hóa xuống cấp nhanh, thậm chí biến mất. Chẳng hạn, qua kiểm tra thực tế, hiện có 560/1.400 biệt thự đã biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng, thay vào đó là nhà phố, mặc dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.
“Để bảo tồn các di sản văn hóa, Thành phố cần quy hoạch đô thị gắn với bảo tồn cảnh quan đô thị và phát triển du lịch, tiếp tục rà soát, đánh giá và xác định các khu vực phát triển đô thị, xác định rõ khu vực cảnh quan cần bảo tồn, tránh tình trạng di tích lịch sử vị xâm phạm. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện trong công tác tham mưu, phối hợp thực hiện công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Bởi chính quận, huyện là cơ quan nắm khá rõ về tình hình của các công trình di sản văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với cảnh quan đô thị”, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, UBND và HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị tăng ngân sách cho công tác trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa. Bởi ngân sách dành cho công tác trùng tu, bảo tồn, mua hiện vật văn hóa thời gian qua khá ít. Theo đó, trong 10 năm qua (2009 - 2019), TP Hồ Chí Minh chi cho công tác bảo tồn di tích chỉ khoảng 500 tỷ đồng, như vậy trung bình một năm chỉ chi 50 tỷ đồng cho việc bảo tồn các di tích văn hóa trên địa bàn.
“TP Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa tham gia vào công tác bảo tồn, trùng tu di sản. Gần đây có nhiều văn bản luật liên quan đến hoạt động di sản văn hóa nhưng chưa có văn bản đủ mạnh để hướng dẫn, huy động nguồn lực xã hội. Nếu cứ dựa vào nguồn vốn ngân sách, mỗi năm chỉ có 3 – 5 di sản văn hóa được tiến hành trùng tu. Như vậy đến khi nào hơn 100 di tích mới được trùng tu, tôn tạo; chưa kể có nhiều điểm khác cần bảo tồn”, ông Đạt nói.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu HĐND cho rằng, muốn bảo tồn các di sản văn hóa, Thành phố cần chú trọng vào việc nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo tồn di sản. Nếu không có kiến thức, trình độ trong bảo tồn di sản văn hóa và không quyết tâm bảo tồn sẽ rất khó giữ được các công trình văn hóa cho thế hệ tương lai.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 172 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử),114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố giai đoạn 2016 - 2020.