Hậu Giang thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
21/08/2024 | 15:49Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang triển khai đạt được những kết quả nổi bật.
Theo Sở VHTTDL Hậu Giang, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có nhiều chuyển biến. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, lồng ghép vào Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"….hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Cơ bản đến nay không còn trường hợp tảo hôn, hầu hết các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đúng quy định của Luật hôn nhân và gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình. Các thủ tục ăn hỏi, xin cưới, đón dâu, đăng ký kết hôn được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, đúng pháp luật, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật, không còn hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình, kéo dài nhiều ngày, gương mẫu chấp hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình đã được hạn chế đáng kể, tổ chức gọn nhẹ, khách mời dự tiệc cưới chủ yếu là những người trong họ tộc và bạn bè thân thiết. Nhiều đám cưới đã thực hiện "không sử dụng thuốc lá", "không nài ép rượu, bia". Nhiều xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình mượn Trung tâm văn hóa cấp xã, Nhà văn hoá ấp, khu vực, Điểm văn hoá khu dân cư để tổ chức đám cưới nhằm thực hành tiết kiệm và tránh hiện tượng lấn chiếm lòng đường.
Về việc tang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn có liên quan, các xã, phường, thị trấn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và có biện pháp chấn chỉnh, 525/525 ấp, khu vực đã đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vào Quy ước ấp, khu vực để cùng nhau thực hiện. Rà soát thống kê các Ban nhạc tang trong và ngoài địa bàn thường xuyên hoạt động trên địa bàn. Trên cơ sở gặp gỡ, trao đổi, trực tiếp tuyên truyền, vận động và cam kết chấp hành Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Đến nay, đã có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Các hộ gia đình có Lễ tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức lễ tang, phúng viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp truyền thống đạo lý của dân tộc. Thời gian tổ chức tang lễ thực hiện đúng quy định, không kéo dài ngày. Thời gian hoạt động của ban nhạc lễ không quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng. Các hủ tục lạc hậu cơ bản đã được loại bỏ, không sử dụng tăng âm loa; không mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà và thực hiện các thủ tục rườm rà khác….
Khi gia đình có lễ tang, các ban ngành, đoàn thể khu dân cư, ấp, khu vực và bà con làng xóm giúp đỡ gia đình tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm. Trên đường đưa tang không rắc tiền thật, hạn chế rắc tiền vàng mã, việc tổ chức ăn uống chỉ nội bộ trong gia đình. Thời gian quàn xác người chết và tổ chức tang lễ không quá 48 giờ đồng hồ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh, lễ cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng đều được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, thực hiện theo phong tục và đạo lý, không phô trương lãng phí, không có trường hợp lợi dụng tâm linh tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan.
Về lễ hội, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có hơn 28 lễ hội lớn nhỏ. Trong đó, có 03 hình thức lễ hội chính được tổ chức thường niên với 10 lễ hội dân gian (gồm: lễ Chol chnam Thmay, lễ Đol Ta, lễ hội Ooc om bok, Giỗ tổ Nguyễn Trung Trực, lễ Kỳ yên Thượng điền, lễ Kỳ yên Hạ điền, lễ Nguyên Tiêu, lễ Bà Chúa Xứ, lễ đón Giao thừa, Tết trung thu); 14 lễ hội tôn giáo (gồm lễ Giáng Sinh, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ, giỗ tổ Đức Tông sư Minh Trí, cúng Rằm Hạ Ngươn, cúng Rằm Trung Ngươn, cúng Rằm Thượng Ngươn, lễ Phum Binh, lễ hội Chanh Pré Quasa, vía Đức Chí Tôn, lễ vía Quan Thánh, lễ vía Đức Diệu Trì Kim Mẫu, giáng sinh Đức Giatô Giáo chủ) và 04 lễ hội lịch sử cách mạng tiêu biểu (gồm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, ngày Giải phóng Miền Nam 30/4, ngày Sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9). Các loại hình hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hết sức nghiêm túc, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo thể hiện rõ nét các giá trị nhân văn, biểu thị sự tri ân sâu sắc uống nước nhớ nguồn, các danh nhân, anh hùng dân tộc. Thể hiện rõ sự quan tâm các hoạt động chào mừng các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.