Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hậu Giang tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh thể dục thể thao

18/06/2021 | 08:14

Theo Công văn mới nhất của tỉnh Hậu Giang , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh TDTT trên địa bàn tạm dừng hoạt động.

Những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh gia tăng về số lượng góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của người dân, nên cũng đặt ra những vấn đề mới đối với công tác quản lý các cơ sở này...

Hậu Giang tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh thể dục thể thao - Ảnh 1.

Theo Công văn mới nhất của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh TDTT trên địa bàn tạm dừng hoạt động.

Đáp ứng nhu cầu người dân

Thành phố Vị Thanh là địa phương có số lượng các cơ sở kinh doanh TDTT nhiều nhất tỉnh. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều cơ sở với nhiều môn TDTT khác nhau, đáp ứng khá tốt nhu cầu rèn luyện thể chất cho người dân. Trên địa bàn có khoảng 15 cơ sở kinh doanh TDTT với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, trong đó gồm cơ sở kinh doanh thể dục thẩm mỹ, thể hình (gym), yoga, bida chiếm đa số. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện hiện đại, các cơ sở này cũng bảo đảm các điều kiện kinh doanh, điều kiện về an toàn, công tác sơ cấp cứu theo quy định.

Ông Võ Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh TDTT đặc biệt là các trung tâm, phòng tập gym được thực hiện khá chặt chẽ. Căn cứ các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng của thành phố cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành của từng cơ sở từ điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn, cho tới thời gian hoạt động... Cơ sở nào đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp phép hoạt động”.

Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện cho người dân, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Ngã Bảy cũng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh TDTT như: bida, thể hình, bóng đá mini, cầu lông, bơi lội... Tới khu thể dục thể thao Ngã Bảy, tại phường Ngã Bảy, chúng tôi được chủ cơ sở dẫn tham quan hệ thống sân bãi tập luyện. Tại đây, hiện có 3 sân bóng đá và 3 sân cầu lông, đáp ứng nhu cầu tập luyện cho khoảng gần 100 lượt người đến để tập luyện thường xuyên. Cơ sở được đầu tư sân bãi khá hiện đại cùng với đó, là tủ thuốc y tế với các dụng cụ có thể thực hiện sơ cấp cứu ban đầu nếu xảy ra sự cố. Anh Nguyễn Trung Hiếu, chủ cơ sở bộc bạch: “Trước khi mở cơ sở kinh doanh TDTT, tôi cũng tìm hiểu kỹ quy định về điều kiện hoạt động để đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Ngoài đầu tư sân bãi theo tiêu chuẩn, cơ sở cũng lắp đặt các đèn chiếu sáng, lưới che... để có thể phục vụ cho cả những giải đấu lớn”.

Theo Thông tư số 02 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở thể thao phải đáp ứng tiêu chuẩn, như sân bóng đá cần bảo đảm một số điều kiện: Diện tích sân tập luyện bảo đảm mật độ tối thiểu 25m2/người; diện tích sân thi đấu bảo đảm kích thước theo quy định của luật thi đấu bóng đá; việc tập luyện, thi đấu buổi tối phải bảo đảm ánh sáng tối thiểu 150 lux; sân tập luyện và thi đấu bóng đá phải bảo đảm khoảng cách xung quanh an toàn, không có chướng ngại vật, khoảng cách tối thiểu từ đường biên của sân đến hàng rào hoặc sân liền kề là 2,5m…

Quản lý tốt để nâng chất lượng

Còn tại huyện Châu Thành, thời gian qua công tác tăng cường quản lý đối với các cơ sở kinh doanh TDTT được địa phương tích cực quan tâm. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành, bày tỏ: “Trên địa bàn hiện các cơ sở kinh doanh TDTT không nhiều, đa phần chỉ tập trung ở địa bàn thị trấn với một số môn như bida, bóng đá, cầu lông. Đối với những cơ sở này, thời gian qua khi cấp phép hoạt động, chúng tôi cũng tăng cường quản lý, kiểm tra thường xuyên”. Ngoài những cơ sở kinh doanh TDTT hiện có, để góp phần phát triển hoạt động TDTT trên địa bàn theo lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025, địa phương sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để phát triển thêm các loại hình TDTT như: bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, tennis...

Đối với các cơ sở kinh doanh TDTT, khi được cấp phép và đi vào hoạt động, không chỉ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ, mà còn bảo đảm đầy đủ về độ an toàn cho người đến tập luyện, tiếp đến là các điều kiện về y tế, an ninh trật tự. Hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở này, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, cao cấp hay bình dân đều cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Công tác giám sát, quản lý các cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT được ngành chức năng tăng cường thực hiện thường xuyên. Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm về các tiêu chuẩn. Riêng với tình hình dịch bệnh hiện tại, theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã có văn bản gửi về các địa phương, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngừng tổ chức các giải thể thao cũng như yêu cầu các cơ sở kinh doanh TDTT tạm dừng hoạt động”.

Để bảo đảm an toàn cho người tập cũng như đưa các cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT vào khuôn khổ, việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao là rất cần thiết!

“Công tác giám sát, quản lý các cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT được ngành chức năng tăng cường thực hiện thường xuyên. Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm về các tiêu chuẩn”, ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết.

Bài, ảnh: AN NHIÊN, Báo Hậu Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×