Hà Tĩnh: Phát hiện tấm bia đá cổ quý hiếm thời kỳ nhà Nguyễn
09/11/2021 | 09:08Tấm bia đá cổ quý hiếm thời kỳ nhà Nguyễn có niên đại thời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) được phát hiện tại nhà thờ Phúc Sơn ở thôn Thượng Tiến, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Trí Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa qua, trong quá trình khảo cứu hệ thống các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Đức Thọ, các nhà nghiên cứu lịch sử đã phát hiện tấm bia đá cổ quý hiếm thời kỳ nhà Nguyễn, có niên đại thời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) tại nhà thờ Phúc Sơn ở thôn Thượng Tiến, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tấm bia là khối đá thanh màu xanh đen nguyên khối, gồm hai mặt hình chữ nhật, bao gồm: bệ bia, thân bia và trán bia. Bia có kích thước cao 1,2 m, chiều rộng 0,7 m, chạm khắc chữ Hán cổ mặt trước thân bia, mặt trước trán bia chạm khắc họa tiết hình hổ phù, phía dưới là hình cánh sen cách điệu. Xung quanh diềm bia chạm khắc các họa tiết hoa văn hình hoa lá dây leo nổi trên gờ thân bia.
Bia được khởi dựng vào ngày 21 tháng 8 năm 1880, năm Tự Đức thứ 33, thời kỳ nhà Nguyễn. Nội dung bài văn bia liên quan đến các nhân vật của dòng họ Phạm học hành khoa cử đỗ đạt cao và có công lao với nhà nước phong kiến Việt Nam từ thời kỳ Hậu Lê đến triều Nguyễn.
Đặc biệt có danh thần Phạm Huy đã thi đỗ Tiến sỹ Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh, khoa thi Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 năm 1851, sau đó được vua Tự Đức bổ nhiệm vào Đô sát Viện Phó Đô đầu Ngự sử Hàn lâm Viện triều Nguyễn. Ông có tên trong văn bia các Tiến sỹ ở Quốc tử giám triều Nguyễn tại kinh đô Huế. Về sau, ông được triều đình nhà Nguyễn thăng chức Hồng Lô Tự Khanh, lần lượt giữ các chức vụ quan trọng như Đốc học tỉnh Hưng Yên, Bố chánh tỉnh Nam Định…
Đây là tấm văn bia đá cổ thời kỳ nhà Nguyễn độc đáo, quý hiếm. Không chỉ cung cấp nguồn sử liệu về các nhân vật có truyền thống học hành khoa cử của một dòng họ qua các thời kỳ lịch sử, mà bản thân tấm văn bia mang phong cách đặc trưng của thời kỳ nhà Nguyễn sẽ giúp các nhà nghiên cứu sử học có thêm nguồn tư liệu quý hiếm trong quá trình nghiên cứu về kiến trúc cổ, tìm hiểu các nhân vật lịch sử có công lao với quê hương, đất nước của vùng đất Hà Tĩnh.