Hà Tĩnh: Khởi sắc sau 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
18/10/2021 | 09:00Sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước, xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực và sự sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật…
Nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngay từ năm 2000 phong trào đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo các cấp được thành lập, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn 5 năm và hằng năm. Công tác tuyên truyền được chú trọng, tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Tại cơ sở, 100% thôn, tổ dân phố thành lập Ban vận động do đồng chí trưởng ban Mặt trận thôn, xóm, tổ dân phố làm Trưởng ban đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia Phong trào. Qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy vai trò của ban chỉ đạo thực hiện phong trào các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc đã thúc đẩy phong trào phát triển và được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” đã tác động mạnh mẽ đến đời sống các cộng đồng dân cư, trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn. Đến nay, có 340.584/374.517 gia đình văn hóa, đạt 90,9%. Nhiều gia đình văn hóa ở các huyên, thành phố, thị xã đã trở thành điểm sáng, có tác động vô cùng to lớn cho nhiều phong trào phát triển như: “Xóa đói giảm nghèo”, “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nông thôn mới”. Đây là những hạt nhân đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, nếp sống văn minh đô thị; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, là tấm gương điển hình trong công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.
Phong trào xây dựng “làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” phát triển về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, trở thành phong trào cốt lõi, sôi nổi và rộng khắp, bao trùm, chi phối và quyết định các phong trào khác. Đến nay, toàn tỉnh có 1869/1977 thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỉ lệ 94%. Việc thực hiện hương ước thôn, xóm, tổ dân phố đã phát huy hiệu quả, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng được gắn bó, an ninh trật tự được giữ vững, nhiều tệ nạn xã hội được bài trừ. Cùng với sự phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của các làng quê ngày càng khởi sắc, nhiều thôn, tổ dân phố sau khi được công nhận danh hiệu thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa đã trở thành điểm sáng, giữ vững danh hiệu trong nhiều năm liên tục.
Cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả to lớn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến trên 2.829.885 m2 đất; đóng góp 281,4 tỷ đồng tiền mặt, bê tông hóa trên 5144,75 km đường giao thông, trên 1128,92 km rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng để xây dựng nông thôn mới; có 678 Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn, có 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 171 xã, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phong trào xây dựng Đô thị văn minh phát triển nhanh những năm gần đây. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí tạm thời hướng dẫn các địa phương thực hiện. Theo đó, tất cả các địa phương trong tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch đôn đốc, hướng dẫn cơ sở đăng kí xây dựng, tăng cường nguồn lực thực hiện. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 14/34 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 41,17%) theo Thông tư 02/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phong trào xây dựng “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” đã thực sự tạo ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi, có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của người lao động, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, dân chủ; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động; cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Đến nay,toàn tỉnh có 811/1414 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 57,3%. Các địa phương đã ban hành văn bản nhiều văn bản đôn đốc việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp việc đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đang được chú trọng triển khai, dần đi vào nề nếp.
Việc thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm. Trong việc cưới đã xây dựng và nhân rộng được một số đám cưới theo hình thức “văn minh tiết kiệm”, hạn chế dùng bia, rượu, không sử dụng thuốc lá, hạn chế việc ăn uống linh đình. Việc tang được tổ chức ngày càng khoa học, tiến bộ, loại bỏ được nhiều lễ nghi rườm rà, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm được thuần phong mỹ tục và đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, hình thức hỏa táng trong tang lễ được nhân dân ngày càng hưởng ứng. Hiện tượng thương mại, trục lợi tại các đám ma, đám cưới, lễ hội bị lên án. Hiện tượng mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu cơ bản được loại trừ. Hiện nay, Hà Tĩnh có gần 70 lễ hội, 13 lễ hội lớn, có 03 lễ hội được ghi vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia. Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nề nếp, diễn ra lành mạnh, văn minh và trở thành nhu cầu văn hóa không thể thiếu của nhân dân.
Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng có nhiều khởi sắc, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, khi phối hợp với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 190/216 hội trường đa năng cấp xã đạt chuẩn (87,9%), 183/216 khu thể thao cấp xã đạt chuẩn (84,7%); 1822/1982 nhà văn hóa thôn (91,9%), 1670/1982 (68,3%) khu thể thao thôn đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, hàng năm được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đáp ứng vị trí công việc.
Trong 20 năm qua, ngân sách nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đầu tư cho phong trào thông qua việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao và các hoạt động văn nghệ, thể thao đạt hàng ngàn tỉ đồng. Nhờ hiệu quả tích cực của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, cũng như sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên phong trào đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như cá nhân đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, nhà văn hoá, sân chơi thể thao, hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ thể thao, trùng tu tôn tạo di tích, danh thắng… theo tiêu chí, tiêu chuẩn của các danh hiệu văn hoá. Hàng năm có tới hàng trăm tỷ đồng của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã được đầu tư cho phong trào. Các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc… là những địa phương tiêu biểu trong công tác xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân, con em xa quê hỗ trợ phát triển phong trào.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, 100% các xã, phường, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tham gia các hội thi hội diễn, các hoạt động kỉ niệm các ngày lễ của quê hương, đất nước; có gần 300 câu lạc bộ dân ca ví, giặm được thành lập tạo môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 34,3% dân số tập luyện thường xuyên, 24,2% gia đình thể thao, 894 câu lạc bộ thể thao, 100% số trường học đảm bảo thể dục nội khóa, ngoại khóa tốt. Phong trào rèn luyện thể thao trong cán bộ, người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên ngày càng phát triển mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được như đã nói trên, phong trào không tránh khỏi những hạn chế như: Việc phối hợp giữa các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh trong thực hiện phong trào chưa thật hiệu quả; chất lượng của các danh hiệu văn hóa nhiều khi chưa thực chất, tính bền vững chưa cao; kinh phí để triển khai các hoạt động của phong trào còn thiếu; phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” ở một số địa phương chưa được coi trọng; Phong trào xây dựng “Đô thị văn minh” còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở đào tạo trái với chuyên môn còn nhiều, do đó gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở cơ sở; tệ nạn xã hội, mê tín, dị đoan chưa được đẩy lùi triệt để…
Vì vậy, trong giai đoạn mới cần có những biện pháp, giải pháp thiết thực, hiệu quả để giữ vững và phát triển phong trào, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành thành viên Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến huyện, cơ sở và Ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố, vận động toàn xã hội tham gia phong trào.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 ; Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Thứ ba, đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo các cấp; kinh phí tập huấn nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào, kinh phí khen thưởng các danh hiệu văn hóa...
Thứ tư, xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã; thôn, tổ dân phố. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt văn hóa và nhu cầu người dân ở các vùng miền, địa bàn dân cư.
Thứ năm, quan tâm công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật Thi đua – Khen thưởng. Định kỳ làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, bình bầu các danh hiệu thi đua. Khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị điển hình tiên tiến, đồng thời phê phán, kỷ luật những cá nhân, tập thể vi phạm để động viên, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.
Thứ sáu, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai thực hiện phong trào cho đội ngũ cán bộ văn hoá - xã hội cấp huyện, cấp xã và hạt nhân văn hóa cơ sở ở thôn, tổ dân phố.