Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Tĩnh: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

29/06/2018 | 14:00

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là yêu cầu cấp thiết mà tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng và thường xuyên triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: wikimapia

Tin từ Báo Hà Tĩnh cho biết, ngày 28/6, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Hà Tĩnh) đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL để nghe dự thảo Đề án đặt tên một số tuyến đường và một số công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều và Mộc bản Trường học Phúc Giang từ 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, đề án xây dựng ngân hàng tên đường và các công trình văn hóa theo tên của các danh nhân, sự kiện lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ, danh nhân văn hóa, nhân vật cách mạng thời kỳ hiện đại để đặt tên cho 169 tuyến đường và 2 công trình văn hóa.

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều và Mộc bản Trường học Phúc Giang từ 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nêu rõ thực trạng công tác bảo tồn, phát huy các di sản cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản hiện nay. Qua đó, khẳng định đây là đề án cần thiết nhằm xây dựng cơ chế giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Hà Tĩnh.

Trước đó, tại Hà Tĩnh cũng diễn ra các cuộc họp báo cáo công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; tiếp xúc cử tri chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có 459 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 78 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Phần lớn các di tích sau khi được xếp hạng đều được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quan tâm quản lý, bảo tồn, tu bổ. Các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù được chú trọng truyền dạy, giữ gìn giá trị.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng, tổ chức trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản. Bên cạnh đó có cơ chế, chính sách tốt cho đội ngũ nghệ nhân; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm lan tỏa và nâng cao ý thức trách nhiệm về văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Thanh Thủy (t/h)

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×