Hạ tầng các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch có bước phát triển khá toàn diện
24/04/2020 | 16:59Hạ tầng các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch có bước phát triển khá toàn diện; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện khởi động hoạt động du lịch… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Vĩnh Phúc: Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn việc quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Hạ tầng các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch có bước phát triển khá toàn diện được các cấp, ngành trên địa bàn chú trọng quan tâm, đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả hoạt động thiết thực: Hệ thống Thư viện, Bảo tàng, Văn Miếu, Nhà hát tỉnh, Khu công viên quảng trường, Khu liên hợp thể dục thể thao và Trung tâm đào tạo vận động viên thể thao được đầu tư, nâng cấp.
8/9 huyện, thành phố đã xây dựng được Trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện, gồm: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, TP Phúc Yên, Yên Lạc, Tam Đường, Lập Thạch, TP Vĩnh Yên, Tam Đảo. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện được đầu tư cơ bản đảm bảo để tổ chức các hoạt động theo quy định.
Theo kết quả xây dựng thiết chế văn hóa thể thao xã, thôn: Trung tâm văn hóa: 137/137 xã, phường thị trấn có nhà văn hóa đạt 100% xã. Trong đó có 112 xã, thị trấn xây dựng được Trung tâm văn hóa xã theo quy chuẩn của Bộ VHTTDL với đầy đủ các hạng mục như: Hội trường, phòng chức năng, nhà luyện tập thể dục thể thao, sân khấu ngoài trời… 1.367/1384 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 98,7%.
Trung tâm Văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn đã khẳng định được vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đổi mới, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, làm thay đổi đời sống văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của người dân, thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức, tầng lớp nhân dân tham gia. Mỗi một mô hình thiết chế văn hóa – thể thao, ngoài chức năng, nhiệm vụ chung còn phát huy hiệu quả sử dụng riêng cho từng mô hình gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể.
Đại đa số Trung tâm Văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn hoạt động tích cực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ, là nơi tổ chức các hội nghị, tập huấn, nơi hội họp của các tổ chức đoàn thể, nơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, của tỉnh, địa phương… từ đây, nhiều hạt nhân văn nghệ, thể thao đã được phát hiện và có hướng đầu tư phát triển phù hợp.
Bắc Ninh: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Gia Bình quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên đạt nhiều kết quả tích cực, chất lượng đi vào chiều sâu.
Công tác tuyên truyền về phong trào được quan tâm đúng mức đã tạo sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện trong nhân dân. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn; xây dựng các tiêu chí phấn đấu sát thực, phù hợp; tổ chức đăng ký danh hiệu văn hóa cụ thể. Việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa hằng năm bảo đảm công khai, dân chủ, chặt chẽ, có chất lượng đã phát huy cao tính dân chủ tạo khí thế thi đua trong các ngành, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, các danh hiệu văn hóa trên địa bàn huyện đều tăng cao so với giai đoạn 2010-2015. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2019, toàn huyện có 131.502 gia đình văn hóa, tăng 16,7%; có 348 làng văn hóa, tăng 42,6%; có 59 lượt xã văn hóa và đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, tăng 156%; có 481 lượt đơn vị, cơ quan đạt chuẩn văn hóa, tăng 22,7% so với giai đoạn 2010-2015.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tân gia, mừng thọ có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Ninh Bình: Theo Kế hoạch triển khai công tác tháng 5/2020, Sở Du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình khách du lịch nước ngoài còn lưu trú trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khai báo y tế đối với khách du lịch lưu trú tại cơ sở.
Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng Cục Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện khởi động hoạt động du lịch thay cho Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia sau khi hết dịch; Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sau khi dịch kết thúc; tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội triển khai dự án "Nâng cao chất lượng du lịch di sản tại Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An"; Triển khai công tác quản lý quy hoạch, quản lý dự án theo kế hoạch, duy trì kế hoạch tuần tra, giám sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Quần thể danh thắng Tràng An; hướng dẫn, tuyên truyền các hộ dân, Ban Quản lý các di tích, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch trong khu Di sản chấp - hành đúng các quy định về quản lý xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng nhà và các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, tiếp tục cập nhật các văn bản pháp luật, đăng tải các nội dung tin, bài, hình ảnh phản ánh hoạt động của ngành Du lịch, nổi bật là thông tin tuyên truyền về Năm Du lịch Quốc gia 2020 - Hoa Lư, Ninh Bình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid - 19 trên các trang thông tin điện tử của ngành; Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình tới các hãng lữ hành và khách du lịch; tăng cường công tác hỗ trợ khách du lịch…