Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Phát triển du lịch theo chiều sâu chất lượng

27/10/2015 | 15:30

Ngày 23.10, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch năm 2015. Tới dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Đặng Thị Bích Liên – Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Thế Thảo cùng gần 400 đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lí, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch.  

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, để phát huy hơn nữa thế mạnh, TP. Hà Nội cần tăng cường hơn nữa vai trò, sự tham gia, sự đồng hành của doanh nghiệp cùng Sở Du lịch và các ngành liên quan. Thứ trưởng đề nghị, Hà Nội cần phát triển du lịch theo chiều sâu chất lượng, có thương hiệu và xây dựng hình ảnh ấn tượng đậm nét cho du lịch Thủ đô để phát huy được kho tàng di sản văn hoá hội tụ ngàn năm văn hiến; phát triển du lịch có trách nhiệm; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế về du lịch của Thủ đô, các đại biểu đều cho rằng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Việt Nam, nơi có nhiều lợi thế so sánh để phát triển du lịch với tiềm năng du lịch đa dạng phong phú, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khá đồng bộ, cửa khẩu hàng không quốc tế - sân bay Nội Bài. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng với vai trò là trung tâm du lịch của Vùng du lịch Bắc Bộ và cùng với TP.HCM là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú cả về tự nhiên và nhân văn, điều kiện cơ sở kinh tế, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và phát triển, du lịch Hà Nội được xác định có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô, phấn đấu đóng góp tới 15-16% GDP của thành phố. Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô; trở thành thành phố du lịch hấp dẫn của khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ du lịch cao cấp, điểm đến du lịch được ưa chuộng trên thế giới.

Trong thời gian qua, Du lịch Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận theo định hướng phát triển của Thủ đô và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Du lịch đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ đô thị và góp phần làm thay đổi bộ mặt Thủ đô.
Tuy nhiên, theo PGS.TS – Phạm Trung Lương, kết quả phát triển du lịch của Hà Nội thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng và có một số thách thức đứng từ góc độ phát triển du lịch bền vững, thể hiện ở sự hạn chế về sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm đặc thù đã được xác định dựa trên những lợi thế so sánh về du lịch của Thủ đô. Sản phẩm du lịch đặc thù được phát triển dựa trên tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ (điểm đến du lịch) với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Xét trên những điều kiện này có thể nói Hà Nội là điểm đến có điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên việc khai thác những giá trị khác biệt về tài nguyên du lịch cũng như những lợi thế so sánh của một Thủ đô, một đô thị lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực.

Đồng quan điểm, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist cho rằng, hoạt động du lịch của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được kì vọng và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, việc phát triển du lịch Thủ đô cần dựa trên Quy hoạch tổng thể. Thành phố nên thành lập một cơ quan đặc trách cấp thành phố hoạt động theo mô hình Ban chỉ đạo phát triển du lịch Hà Nội, đề xuất các chính sách, ưu tiên phát triển, nghiên cứu lựa chọn các di tích, khu, cụm, tuyến du lịch tiêu biểu và đại diện theo thương hiệu và định hướng thị trường sản phẩm để có các quy hoạch chi tiết phục vụ cho việc bảo tồn, tu bổ, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình bổ trợ, nguồn nhân lực và công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm theo từng thị trường khách, tránh tình trạng đầu tư nhiều, dàn trải mà kết quả từ việc đầu tư không cao. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả thống kê, thành phố nên mời các chuyên gia du lịch uy tín trong và ngoài nước với mục đích xác định lại những thị trường thực sự trọng điểm của du lịch Hà Nội.

Chủ trì và phối hợp với các cơ quan công an, môi trường để tập trung quyết liệt hơn trong việc tạo môi trường an ninh, giao thông an toàn, vệ sinh sạch sẽ và cảnh quan hấp dẫn tại các khu, tuyến điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn, hướng dẫn, trợ giúp và kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh với du khách. Thành phố cần có những định hướng và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn nhằm chuẩn bị số lượng nguồn nhân lực du lịch phù hợp với các thị trường mục tiêu, với định hướng khai thác nguồn khách trong ngắn hạn và dài hạn. Bởi hiện nay, nhiều khi do không có định hướng thị trường rõ ràng mà chủ yếu do tự phát nên nguồn nhân lực của chúng ta có những chỗ dư thừa nhiều, có những chỗ lại thiếu trầm trọng.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, Du lịch của Hà Nội chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế, còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí bất cập và yếu kém trong một số hoạt động du lịch, dịch vụ. Để khắc phục những bất cập này, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng trước tiên là trong công tác quản lý của các cấp chính quyền, tiếp theo là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và hơn thế nữa là trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô.

Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, trong đó tập trung triển khai đồng bộ Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Cũng tại buổi gặp mặt đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Du lịch Hà Nội, Sở Công Thương, Tổng công ty dịch vụ Viễn thông (VNPT Vinaphone) và Chi nhánh miền Bắc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và ký kết hợp tác giữa một số doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Nguồn Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×