Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Khơi thông, quản lý nguồn lực tu bổ di tích

27/12/2021 | 15:46

Dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Hà Nội luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản. Để phát huy giá trị, hiệu quả nguồn tài nguyên di sản, ngành Văn hóa Thủ đô cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời có giải pháp khơi thông, quản lý nguồn lực tu bổ di tích trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Khơi thông, quản lý nguồn lực tu bổ di tích - Ảnh 1.

Công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) có tổng vốn đầu tư 18,5 tỷ đồng, trong đó nguồn lực xã hội hóa là 7 tỷ đồng.

Thách thức trong tu bổ, tôn tạo di tích

Theo Ban Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), toàn thành phố hiện có 5.922 di tích. Chiếm 1/3 số này là những di tích có biểu hiện từ xuống cấp tới xuống cấp nghiêm trọng, cần hàng nghìn tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo. Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội được coi là trợ sức rất cần thiết cho hoạt động này, đã và đang được nhiều địa phương tăng cường triển khai, thực hiện.

Trưởng ban Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, từ năm 2013, thành phố đã có nghị quyết về việc khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện cho bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản (Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 17-1-2013). Với nhiều cách làm sáng tạo, trung bình mỗi năm, toàn thành phố huy động được hàng trăm tỷ đồng cho bảo tồn, tôn tạo di tích từ nguồn xã hội hóa, đưa nhiều di tích thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Chỉ tính riêng năm 2020, nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động này lên tới gần 468 tỷ đồng, trong đó nhiều địa phương làm tốt, như huyện Hoài Đức huy động được 79,7 tỷ đồng, huyện Gia Lâm 156 tỷ đồng, quận Hoàng Mai 69,4 tỷ đồng, quận Tây Hồ 28 tỷ đồng…

Là một trong những địa phương đi đầu về hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích của Hà Nội, huyện Gia Lâm luôn chủ động kết hợp nhiều nguồn lực để triển khai, với các bước, lộ trình cụ thể cũng như phân cấp nhóm công trình ưu tiên đầu tư. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương thông tin: “Giai đoạn 2016-2020, huyện đã tu bổ 77 di tích với tổng kinh phí 1.055 tỷ đồng; trong đó vốn xã hội hóa là hơn 325 tỷ đồng. Trong năm 2021, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 cho 25 di tích xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng”.

Bên cạnh mặt tích cực, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích cũng có những tồn tại, khó khăn nhất định, ảnh hưởng đáng kể đến việc phát huy hiệu quả nguồn lực. Đó là việc tự ý tu bổ, cải tạo di tích (đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa; chùa Lâm So, huyện Quốc Oai…); xin phép một đằng, làm một nẻo (chùa Đậu, huyện Thường Tín); bổ sung những hạng mục mới (chùa Khúc Thủy, huyện Thanh Oai); sửa chữa không đúng quy định của Luật Di sản (đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm)… Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức, ý thức của đơn vị quản lý và nhân dân ở một số địa phương về tu bổ, tôn tạo còn hạn chế; thiếu sự giám sát, hướng dẫn của chính quyền địa phương; lực lượng tham gia thi công thiếu kiến thức chuyên môn...

Để nguồn lực xã hội phát huy hiệu quả

Xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những giải pháp quan trọng để gìn giữ lâu bền tài nguyên di sản văn hóa. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, qua thực tế cho thấy, ngoài việc khơi thông nguồn lực, cần có thêm giải pháp để sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn này, bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ cho rằng, ngành Văn hóa Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo; khuyến khích sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cũng như vai trò giám sát của người dân địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, công tác xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được khuyến khích, nhằm huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. “Cùng với Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc phân cấp quản lý rõ người, rõ trách nhiệm; sau 5 ngày xảy ra vụ việc mà không có báo cáo chính thức, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố. Ngoài ra, định kỳ hằng năm, toàn thành phố thực hiện tổng hợp số liệu biến động về di tích; định kỳ 5 năm thực hiện tổng rà soát, trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh, cập nhật bổ sung danh mục (nếu có)… Trong thời gian tới, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô sẽ đề xuất thêm các giải pháp quản lý khác để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả cao nhất”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết thêm.

Theo Báo Hà Nội mới

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×