Hà Nội: Kết nối các làng nghề tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
28/11/2018 | 16:33“Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô” là chủ đề hội thảo vừa được Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Thực trạng và giải pháp về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Thăng Long – Hà Nội; Tăng cường sự kết nối doanh nghiệp với việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội thời kỳ hội nhập phát triển; Phát huy vai trò của chính quyền trong việc kết nối doanh nghiệp với làng nghề; Vai trò của Hiệp hội trong thúc đẩy các hội viên; Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô…
Làng lụa Vạn Phúc khoác áo mới trong Tuần văn hóa, du lịch. Ảnh: Toquoc.vn
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 305 làng nghề thuộc 23 quận, huyện, thị xã với các làng nghề như: Khảm trai, sơn mài, làm nón, da giày, điêu khắc gỗ, tơ lụa, gốm sứ… Nổi tiếng nhất phải kể tới: gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (Hà Đông); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he Xuân La (Phú Xuyên), sừng (Thụy Ứng)… Các làng nghề thủ công mỹ nghệ là một trong những thành tố quan trọng của phát triển du lịch văn hóa nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung. Điều này đã được nhấn mạnh trong Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020” với việc xây dựng “thành phố sáng tạo” từ nền tảng là các ngành công nghiệp sáng tạo mũi nhọn của Thủ đô trong đó có phát triển ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi riêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch. Tuy nhiện vấn đề của các làng nghề Hà Nội là thiếu sự kết nối giữa các làng nghề và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, khép kín giữa du lịch và làng nghề. Do đó, để phát huy các giá trị của các làng nghề trong công cuộc phát triển du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố cần thêm các chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các làng nghề./.
Gia Linh (t/h)