Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Hoàn thành Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích

13/01/2016 | 09:36

Sở VHTT Hà Nội đã hoàn thành Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, sau hơn 2 năm thực hiện, từ tháng 7.2013-12.2015, với kết quả qua những thông tin, số liệu cụ thể, qua phương pháp, nội dung và cách thức triển khai thực hiện, Đề án đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.

Đợt tổng kiểm kê đã rà soát 7.966 di tích, địa điểm, công trình có trong danh mục di tích của các cấp quản lý hoặc là di tích do địa phương giới thiệu. Kết quả là đã đề xuất danh mục kiểm kê di tích TP Hà Nội với trên 5.800 di tích, trong đó có một di sản thế giới; 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp TP. Qua đó, phân loại được hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng để đề xuất biện pháp ưu tiên tu bổ.

Cũng từ kết quả này, Hà Nội sẽ tiếp tục làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố tùy thuộc vào giá trị của công trình. Ngoài những di tích được đánh giá là có giá trị, những công trình, địa điểm được kiểm kê không được coi là di tích cũng cũng được lưu hồ sơ theo dõi, phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.

Một lĩnh vực khác lần đầu tiên được kiểm kê, đánh giá toàn diện và đầy đủ là hiện vật trong di tích. Thành phố hiện có 317.000 hiện vật các loại trong di tích. Trong đó, có nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nhiều hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, bảo vệ những hiện vật quý trong di tích một cách hợp lý hơn.

Kết quả của đợt Tổng kiểm kê đánh giá phân loại di tích trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng. Những thông tin cụ thể về di tích, số liệu thống kê về hiện trạng di tích đã đưa lại hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý Nhà nước. Việc công bố danh mục kiểm kê tạo thuận lợi cho các ngành khác, đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Qua đó, cấp huyện thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản trên địa bàn; các sở, ngành liên quan sẽ cùng phối hợp trong công tác bảo vệ và giữ gìn di tích. Đây là một trong những bước đi cơ bản của công tác quản lý di tích, là cơ sở để xây dựng chiến lược bảo tồn di tích lâu dài.

CTTĐT (Tổng hợp)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×