Hà Nội: Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
04/12/2024 | 16:15Để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả cao hơn, nhiều quận, huyện, đơn vị đề nghị các cấp ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nhiều năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Hà Nội đã trở thành một cầu nối thiết thực giúp hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh trong nước đến gần người tiêu dùng Việt Nam hơn, với chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, để CVĐ này thực sự đạt hiệu quả cao, đưa hàng Việt chiếm trọn niềm tin của người Việt, vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Người dân đã ưu tiên mua hàng “made in Vietnam”
Là doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực lữ hành nhưng có sản phẩm đã hai lần được bình chọn “Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích”, Giám đốc Công ty CP VietSense Travel Nguyễn Văn Tài chia sẻ, thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình bình chọn này do MTTQ TP và Sở Công Thương thực hiện có ý nghĩa rất thiết thực đối với cả khách hàng và doanh nghiệp. Khách hàng thông qua những kết quả bình chọn sẽ củng cố được niềm tin vì biết đâu là doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đúng và tốt để tìm đến khi có nhu cầu.
“Thực tế qua 2 lần sản phẩm của VietSense được bình chọn, khi khách hàng đến Công ty nhìn thấy biểu trưng Top 3 ngay tại khu vực trưng bày thì sẵn sàng ký hợp đồng và mua sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi. Vào website của VietSense thấy những biểu trưng đó thì họ cũng yên tâm mua những dịch vụ tour của Công ty. Phía doanh nghiệp, chúng tôi cảm thấy việc có được chứng nhận “Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích” như một thước đo và động viên rất lớn, vì thực tế với những doanh nghiệp nhỏ như Vietsense chưa thể có điều kiện để quảng bá rộng rãi đến đông đảo khách hàng về sản phẩm mình đang triển khai. Qua 2 sản phẩm dịch vụ được người tiêu dùng bình chọn, doanh nghiệp có thể quy hoạch thành những sản phẩm cốt lõi, tạo được định lượng hạch toán doanh thu với từng sản phẩm du lịch, từ đó có cái nhìn tổng quan về thế mạnh trong sản phẩm dịch vụ của mình, tạo được niềm tin cho khách hàng”- ông Nguyễn Văn Tài khẳng định.
Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động tham mưu, phối hợp các cấp, ngành, doanh nghiệp triển khai hiệu quả CVĐ phù hợp tình hình mới, nhờ đó người tiêu dùng trong nước đã thúc đẩy hoạt động du lịch tới các điểm đến ở Hà Nội, ưu tiên mua hàng sản xuất trong nước, quà lưu niệm, đặc sản địa phương Hà Nội trong chuyến đi...
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm mới có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phục vụ tốt nhất du khách trong và ngoài nước. Nhất là những hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Hiện Hà Nội đã có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, với 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin- giải thưởng danh giá làng ẩm thực thế giới.
Đáng chú ý, ngành đã tăng cường đổi mới nội dung tuyên truyền CVĐ bằng nhiều hình thức, như trên nền tảng internet, mạng xã hội, hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; quảng bá sản phẩm chất lượng, giá cả công khai, phù hợp tới đông đảo người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số, với việc đưa vào khai thác phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành (dulich.myhanoi.vn) từ đầu năm nay. Nhiều điểm đến du lịch (Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò…) đã xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan.
Khảo sát thực tế quận Bắc Từ Liêm cho thấy, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận và các ngành, tổ chức thành viên cũng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phù hợp, qua đó tích cực góp phần quảng bá hàng Việt Nam, làm thay đổi nhận thức, hành vi của cả người tiêu dùng và người sản xuất. Hàng Việt ngày càng được chú trọng chất lượng và mẫu mã; lợi ích của người tiêu dùng được đảm bảo hơn. CVĐ cũng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh, giá thành phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay, hệ thống chính trị quận đã ban gần 100 văn bản để triển khai thực hiện CVĐ; xây dựng 135 pano, khẩu hiệu tuyên truyền; viết và đưa 141 tin bài về kết quả thực hiện CVĐ trên địa bàn quận. Đặc biệt, quận phát triển thêm được 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần tăng số lượng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 4 điểm; đồng thời chuẩn bị đề nghị Ban chỉ đạo CVĐ TP cho phát triển thêm 3 điểm.
Để người tiêu dùng tự hào khi chọn dùng hàng Việt
Dù đã đạt những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, song Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Văn Thúy Hoa phản ánh, một rào cản lớn hiện nay đối với việc triển khai CVĐ, đó là tình trạng mua bán hàng hóa của người tiêu dùng qua môi trường internet ngày càng cao, hoạt động chào bán hàng online không thông tin khai báo và đăng ký kinh doanh diễn biến phức tạp, nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Trong khi, tâm lý người dân có thay đổi trong mua sắm sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt nhưng vẫn còn bộ phận nhỏ có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt.
Còn theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, thiếu về số lượng và chưa đồng đều chất lượng, đặc biệt rất thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) nên chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Thiếu khu du lịch, khu vui chơi giải trí, TTTM, nghỉ dưỡng cuối tuần, công viên chuyên đề mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch; thiếu sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch đêm và chất lượng, dịch vụ phụ trợ thì nghèo nàn. Hơn nữa, công tác marketing, xúc tiến quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là quảng bá xúc tiến chưa thực sự gắn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại điểm còn hạn chế.
“Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này chính là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về tài chính, chuyển đổi số, xúc tiến du lịch... thúc đẩy những hoạt động hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, điểm du lịch, di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn TP. Trong khi công tác phối hợp giữa các ngành liên quan với ngành du lịch trong công tác quy hoạch, bảo tồn tôn tạo và khai thác tài nguyên văn hóa - du lịch, xúc tiến, thu hút đầu tư hạ tầng du lịch chưa chặt chẽ”- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu lý giải.
Trước những bất cập hiện nay, để triển khai thực hiện CVĐ này mang lại hiệu quả cao hơn, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Bắc Từ Liêm đề nghị các cấp tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh. TP cần sớm có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong KCN vừa vả nhỏ quận Bắc Từ Liêm về cải tạo nâng cấp đường giao thông, công bố quy hoạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất...
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ mong muốn, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP quan tâm chỉ đạo đổi mới công tác truyền thông, nhân rộng điển hình, chú trọng kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn TP. Đồng thời nghiêm khắc xử lý những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực cho thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Thủ đô.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty CP VietSense Travel Nguyễn Văn Tài nêu kiến nghị, chương trình bình chọn “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần thực hiện quảng bá xuyên suốt trong cả quá trình có giá trị của kết quả bình chọn. Chẳng hạn, một sản phẩm được bình chọn trong năm 2023 thì công tác triển khai, quảng bá và vận động người tiêu dùng phải được tiến hành từ đầu năm để họ theo dõi dần, sẽ biết trong danh sách ứng viên có những doanh nghiệp nào, để chủ động tìm đến. Quá trình bình chọn, Ban Tổ chức nên cho doanh nghiệp có một không gian để tự quảng bá giới thiệu sản phẩm trên một số nền tảng, như tạo ra một app chuyên về chương trình bình chọn “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho doanh nghiệp đưa sản phẩm lên đó quảng bá dần theo đúng nội dung hồ sơ họ đã nộp để bình chọn sản phẩm, sẽ chủ động hơn trong việc đưa thông tin. Khi có kết quả đạt được thì không chỉ trong buổi lễ vinh danh đó mà cần gắn thêm một giá trị thiết thực, mang tính truyền thông lớn.
“Công tác truyền thông cho CVĐ này cần tạo ra giá trị lớn hơn cho kết quả của sản phẩm được bình chọn, để khách hàng biết nhiều hơn, yên tâm và chủ động hơn, để sản phẩm được bình chọn trở thành một thương hiệu được định vị trong một thời gian nhất định”- ông Nguyễn Văn Tài bày tỏ.
Khảo sát thực tế triển khai CVĐ tại một số địa phương, đơn vị mới đây, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, đơn vị tăng cường chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của cán bộ đảng viên và nhất là ưu tiên sử dụng hàng Việt trong chính việc mua sắm các văn phong phẩm, thiết bị của cơ quan, đơn vị.
"Đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự hào khi lựa chọn dùng hàng Việt; tăng cường kiểm tra giám sát việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng Việt, hạn chế hàng giả, hàng nhái để tạo niềm tin cho người tiêu dùng; có giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có những diễn đàn quảng bá giới thiệu sản phẩm nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đặc biệt, tổ chức nhiều hội chợ để đưa hàng Việt gần hơn tới người tiêu dùng nhưng tránh tình trạng đưa vào cả những sản phẩm không phải hàng Việt hoặc là hàng kém chất lượng”- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường lưu ý.
Nhấn mạnh ý nghĩa lớn của CVĐ đối với riêng ngành du lịch Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Du lịch phải làm tốt hơn công tác tuyền thông để phát triển du lịch Hà Nội tương xứng tiềm năng của Thủ đô, đưa nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao đến với người dân Thủ đô và các địa phương bạn.
“Cần tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, có tính chuyên nghiệp cao, đảm bảo phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Chỉ những sản phẩm độc đáo, hoàn chỉnh mới có thể kết nối được chặt chẽ, có chất lượng giữa doanh nghiệp và người dân, quyết định được sự lựa chọn của họ khi sử dụng sản phẩm. Đặc biệt, ngành cần quan tâm nâng tầm giá trị bình chọn "Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích", để doanh nghiệp tin tưởng và đăng ký tham gia nhiều hơn, đảm bảo sản phẩm thực sự uy tín và chất lượng"- bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
“Việc tham gia CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và được bình chọn “Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích” như một chứng nhận cho chất lượng sản phẩm của Công ty. Tham gia chương trình này, sản phẩm của chúng tôi được khách hàng biết đến nhiều hơn, nếu trước đây 80% là khách du lịch quốc tế thì từ khi tham gia Chương trình và được Sở Du lịch Hà Nội trao chứng nhận “Địa điểm đạt tiêu chuẩn 5 sao để đón khách du lịch”, Công ty có thêm rất nhiều khách hàng Việt Nam đến thăm quan, tin tưởng mua sản phẩm, trở thành khách hàng thân thiết.
Ban Tổ chức Chương trình đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dần thay đổi được nhận thức của người dân Việt Nam về việc nên dùng hàng Việt. Nhiều bộ, ngành, cơ quan Nhà nước cũng tìm đến sản phẩm Công ty để chọn làm quà tặng người Việt Nam. Đó chính là niềm tự hào dân tộc, và tôi hy vọng người Việt ngày càng yêu mến ủng hộ sản phẩm nước nhà”.
(Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thùy Linh
Theo Báo Kinh tế Đô thị