Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội biến tiềm năng thành khả năng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa

16/06/2021 | 07:48

Con đường phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô có những thuận lợi song cũng đầy thách thức. Làm thế nào để văn hóa đem lại giá trị kinh tế, giới chuyên gia nhận định, có rất nhiều cách để có thể gia tăng giá trị của những sản phẩm văn hóa, để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Hà Nội biến tiềm năng thành khả năng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Hà Nội có lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Biến tiềm năng thành khả năng

Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đặc biệt là có một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ. Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: "Văn hóa cùng con người Hà Nội là một nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững, Hà Nội có thể không là trung tâm hàng đầu về kinh tế nhưng Hà Nội phải là trung tâm hàng đầu đất nước về vấn đề văn hóa".

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, trước tiên để phát triển công nghiệp văn hóa phải đánh giá nhìn nhận tiếp cận theo hướng tư duy thị trường. Yếu tố để phát triển thị trường là sự cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh phát triển, cạnh tranh để phát huy sáng tạo.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, thay vì là một điểm đến, Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu các hoạt động văn hóa nổi bật. Các mô hình nhỏ lẻ nội dung chất lượng cũ còn nghèo nàn. Ngoài điểm lạ mắt lạ tai thì chưa có tính hấp dẫn hay tính nghệ thuật đỉnh cao. Bên cạnh nghệ thuật rối nước, thành phố trong thời gian gần đây đã có thêm những chương trình xiếc "làng tôi" nhưng vở diễn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta không thể phủ nhận chúng ta có tiềm lực thành phố gần 10 triệu dân cùng hàng trăm nghìn lượt du khách đến Hà Nội mỗi năm, vậy khó khăn nằm ở chỗ chúng ta chưa có sự phát triển bền vững. Một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút quan tâm của người dân trong nước cũng như là du khách nước ngoài cần có sự đầu tư. Trong nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật nhà nước trực thuộc thành phố và trung ương, các trung tâm văn hóa nghệ thuật của nhà nước tuy đã được hỗ trợ của nhà nước nhưng vẫn gặp khó khăn rất nhiều trong việc xây dựng nguồn lực.

Thành phố cần cởi mở hơn, xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng các nguồn lực xã hội đồng thời tạo nên sự cạnh tranh góp phần phát triển chung của toàn thành phố. Thành phố nên mạnh dạn giao các dự án của thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tin năng lực. Xây dựng các chế độ quản lý về chất lượng, chế độ ngân sách tài chính để các đơn vị ngoài nó nước được quyền tham gia" - nhạc sĩ Quốc Trung cho biết.

"Để đánh giá thực trạng tiềm năng phát triển của nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thành phố cần có cách nhìn khách quan, hiểu biết và cần phải liên kết với các nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của các nước phát triển tránh tình trạng tô hồng, ngợi ca về truyền thống mà có cách nhìn không thực tế về tiềm năng phát triển. Đời sống văn hóa là cơ sở bệ phóng cho sự phát triển minh chứng là chúng ta có một nền công nghiệp văn hóa phát triển- Nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ quan điểm.

Để hình thành công nghiệp văn hóa

Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, Chủ tịch Tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh cho rằng, Hà Nội cần phát huy giá trị hữu hình và giá trị vô hình, điều này cần được cụ thể hóa bằng những hoạt động, sự kiện để người dân và du khách có những trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: Du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình phát thanh, thời trang, điện ảnh, thiết kế, quảng cáo, các trò chơi giải trí...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, TS.Ngô Phương Lan, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với phát triển thị trường văn hóa. Hà Nội còn thiếu những nhà sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp. Để khắc phục điều này, thành phố nên gắn phát triển điện ảnh với phát triển kinh tế của Thủ đô, từ đó xây dựng chính sách gắn với phát triển điện ảnh nhằm tăng thị phần của thị trường phim nội.

Hà Nội biến tiềm năng thành khả năng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với phát triển thị trường văn hóa

Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly nêu ý kiến, Hà Nội cần giá trị lõi để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bền vững. Hà Nội cần có cơ sở hạ tầng tốt, những nơi biểu diễn mang tính đặc thù cho từng loại hình biểu diễn nghệ thuật...

Phân tích thực trạng ở lĩnh vực dồi dào tiềm năng là nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly nhấn mạnh, trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta đang có một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về nghệ thuật biểu diễn trong công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, ví dụ như tạo dựng du lịch văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh, các chương trình nghệ thuật gắn liền với lễ hội…

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nhiều cơ hội cho công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Song ở chiều ngược lại, công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ. NSƯT Trần Ly Ly chỉ rõ, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn đang loay hoay gặp khó do thiếu các quy định pháp luật phù hợp, đặc biệt để bảo vệ họ trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền: "Trong xu hướng toàn cầu hóa, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đã và đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa mà Việt Nam vốn dĩ có phần lép vế so với các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…".

Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×