Hà Nam: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới
06/02/2023 | 10:07Lần đầu tiên tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo Khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” (gọi tắt là Nghị quyết 23). Nội dung của hội thảo là định hướng, gợi mở để Hà Nam tiếp tục phát triển VHNT trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, lĩnh vực VHNT ở Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động VHNT có những bước phát triển mới, chuyên nghiệp hơn, số lượng tác phẩm đoạt giải thưởng khu vực và quốc gia tăng. Các hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm đa dạng, phong phú. Hoạt động phong trào phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho nhân dân.
Hội VHNT là nơi tập hợp, quy tụ phát huy vai trò, tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ; phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng trẻ, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển VHNT của tỉnh. Mỗi năm, hội cho ra đời từ 5-10 tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Hàng nghìn bài thơ, truyện ngắn và tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, nghiên cứu sưu tầm được đăng tải trên Tạp chí Sông Châu, các ấn phẩm Báo Hà Nam, tạp chí chuyên ngành VHNT Trung ương.
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật được quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo, cống hiến, trau dồi nghề nghiệp. 5 năm một lần, UBND tỉnh tổ chức xét tặng và trao giải Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến, một giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các văn nghệ sỹ với những tác phẩm, công trình VHNT cụ thể có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật. Qua 3 kỳ trao thưởng, có trên dưới 150 tác giả, tác phẩm, công trình nghệ thuật có chất lượng xuất sắc được xét tặng. Những chương trình nghệ thuật tôn vinh nghệ sỹ như đêm nhạc Sỹ Thắng, đêm nhạc Bùi Đình Thảo, đêm sân khấu nhìn lại chặng đường đã qua của cố NSND Lê Huệ, NSND Lương Duyên… được tổ chức thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự.
Nhìn chung, các lĩnh vực, các chuyên ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm đạt chất lượng khá, tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có bước phát triển mới, theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị VHNT cổ truyền của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm VHNT có nhiều đổi mới, gắn với việc tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại.
Diện mạo VHNT có những thay đổi, nghiêng nhiều hơn về các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Nói như nhận xét của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, con người không chỉ được khai thác ở các mặt ý thức mà còn cả ở phần tiềm thức và vô thức. Những vấn đề thuộc về lịch sử, về đời sống quá khứ như chiến tranh, như cải cách ruộng đất… thường được đề cập đến trong nhiều sáng tác mang tính tư liệu, hoặc được phục vụ với mong muốn lấy cái xưa để nói cái nay.
Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy. Mỗi năm, Hà Nam có hàng chục tác phẩm, công trình VHNT tiêu biểu được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tác phẩm có chất lượng, được giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương, Báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, như tiểu thuyết “Thày Đàn” và truyện ngắn “Thưa thầy” của nhà văn Đoàn Ngọc Hà; tập truyện “Nắng vỡ” và “Vua thợ Hàn”, “Họa my không hót” của nhà văn Lê Thanh Kỳ; công trình nghiên cứu sưu tầm “Hoàn vương ca tích” của nhóm tác giả Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm; “Lễ hội truyền thống Việt Nam” của Lê Hữu Bách… Trong số này, “Hoàn vương ca tích” được đánh giá cao về chất lượng và giá trị văn hóa lịch sử, được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021. Hay, những tác phẩm của Đoàn Ngọc Hà, Lê Thanh Kỳ đã đi sâu vào những góc cạnh đời sống xã hội, các mối quan hệ quốc tế khẳng định một phong cách sáng tạo độc lập, tự do của người cầm bút. Nghị quyết 23 đã mở ra cho VHNT chân trời của tự do sáng tác, phê bình, nghiên cứu và truyền bá. Rào cản đối với VHNT như tính độc tôn về tư tưởng, bản tính giai cấp, dân tộc hẹp hòi… đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện quan trọng cho VHNT hòa nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, VHNT Hà Nam trắng mảng lý luận phê bình. Hội VHNT Hà Nam hiện có 7 bộ môn chuyên ngành nghệ thuật nhưng không có lý luận, phê bình. Ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nam từng chia sẻ: “Mảng này trắng hàng chục năm qua bởi chúng ta không có đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Đây lại là lĩnh vực khó, đòi hỏi những người viết dám dấn thân, có trình độ lý luận và thực tiễn, có phương pháp phê bình mới mẻ để giải mã những đóng góp nghệ thuật của sáng tác VHNT”. Hạn chế về lý luận phê bình dẫn đến những hạn chế trong định hướng tư tưởng và thẩm mỹ đối với công chúng, đối với đội ngũ sáng tác.
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thời cơ, thuận lợi to lớn và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đối với lĩnh vực VHNT, xu thế toàn cầu hóa sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, những trào lưu tư tưởng, lý luận, văn nghệ sẽ tiếp tục vào Việt Nam bằng nhiều con đường, nhiều cấp độ, cả tiến bộ, mới mẻ và cả lạc hậu, sai trái...
Bối cảnh tình hình mới nêu trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiêm túc tổ chức tổng kết Nghị quyết 23, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của VHNT đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. VHNT phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.