Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao

10/07/2023 | 14:20

Cùng với các lĩnh vực khác, xã hội hóa (XHH) lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội trong việc phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động TDTT, bao gồm cả thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng.

Thể thao thành tích cao Hà Nam hiện đào tạo 7 bộ môn, nội dung, gồm: Bơi – Lặn, Vật – Jujitsu, Bóng đá nữ, Điền kinh, Thuyền, Quần vợt và Taekwondo. Các bộ môn, nội dung thể thao thành tích cao nhận được nguồn XHH hoặc hỗ trợ một phần XHH có Bóng đá nữ, Bơi – Lặn và Quần vợt. Bóng đá nữ nhận được sự tài trợ của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Bơi – Lặn và Quần vợt nhận được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Tân Thủy. Các nguồn XHH này đã tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ sở vật chất trong tập luyện và chế độ cho vận động viên (VĐV) của 3 bộ môn.

Ngược lại, XHH cũng giúp các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp thông qua các hoạt động TDTT. Ngoài những môn thể thao trên, các bộ môn có sự đóng góp quan trọng cho thể thao thành tích cao Hà Nam còn có Vật – Jujitsu và Điền kinh, nhưng chưa được sự quan tâm của các nhà tài trợ. Khó có thể trách các nhà tài trợ, vì họ phải chiều theo thị hiếu của khán giả bởi như đã nói ở trên công tác tài trợ cũng chính là hoạt động marketing, tiếp thị sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp.

Với thể thao thành tích cao đã khó, XHH TDTT quần chúng còn khó khăn hơn. Các hoạt động thể thao quần chúng thường tính chuyên nghiệp không cao, là các môn theo thị hiếu thông thường, dễ chơi, nhiều người chơi được nên nhiều môn thi đấu nằm trong hệ thống thi đấu cấp tỉnh và của các Liên đoàn, công tác XHH còn ở mức độ, nguồn kinh phí hạn hẹp. Hiện có duy nhất Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân quan tâm tài trợ bởi đây là môn thể thao vua, dù ở cấp nào và độ tuổi nào vẫn được xã hội quan tâm.

Hà Nam: Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao - Ảnh 1.

Giải Việt dã cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2023. Ảnh: Bình Nguyên

Tuy nhiên, thực tế, nhiều môn thể thao quần chúng nếu các câu lạc bộ hoặc một tổ, đội, nhóm tự đứng lên tổ chức giải thì sự kêu gọi tài trợ, đóng góp lại khá hào hứng và dồi dào. Nhưng khi đưa vào hệ thống thi đấu chính thức, có giải thưởng, nhiều người chơi quan tâm là giá trị giải thưởng… Điều đó hình thành tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước và tài trợ. Tâm lý này hiện vẫn còn tồn tại trong các VĐV và của chính những người tổ chức các giải thể thao quần chúng.

Với chủ trương tăng cường công tác XHH trong lĩnh vực TDTT, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã thực hiện nhiều chương trình ký kết phối hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện sáng tạo và hiệu quả công tác XHH. Nhưng những ký kết này chỉ trên giấy tờ còn thực tế sự phối hợp khá lỏng lẻo. Một chủ trương nữa của ngành VH,TT&DL là tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của những người chơi thể thao là muốn tham gia thi đấu các giải thể thao, người đăng ký tham gia phải đóng kinh phí. Gần đây, một số giải thể thao đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người tham gia, như: Giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” và Giải Thể thao gia đình tỉnh Hà Nam năm 2023. Việc đóng kinh phí đồng thời cũng là cam kết của VĐV không bỏ khi đã đăng ký tham gia thi đấu, dần nâng cao ý thức trách nhiệm của các VĐV và tinh thần Fair Play trong thể thao.

Thay đổi nhận thức về công tác XHH trong lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh mặc dù còn ở mức độ nhất định nhưng đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, lắp đặt các loại hình bể bơi, xây dựng sân cỏ nhân tạo, xây nhà thi đấu, nhà văn hóa, sân bóng đá, bàn bóng bàn, đầu tư dụng cụ tập luyện và thi đấu TDTT… Theo số liệu mới nhất từ Sở VH,TT&DL, Hà Nam hiện có gần 1.300 câu lạc bộ TDTT; 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT; 20 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT; gần 1.170 sân TDTT trong cơ quan, đơn vị, công trình công lập và hàng trăm sân TDTT tận dụng khác. Đây sẽ là nền tảng và động lực đẩy mạnh công tác XHH trong lĩnh vực TDTT thời gian tới.

Theo Báo Hà Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×