Hà Nam: Lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong lễ hội làng
22/02/2023 | 15:35Trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng, lễ hội vùng, làng là nét văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội bao giờ cũng hướng đến một nhân vật được suy tôn là nhân thần hay thiên thần. Đó là hình ảnh hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ về cội nguồn, hướng thiện và tạo dựng một cuộc sống yên vui, tốt lành. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hà Nam có 209 lễ hội. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức vào đầu xuân và vẫn giữ được các yếu tố của lễ hội truyền thống.
Không gian tổ chức lễ hội ở Hà Nam chủ yếu là các đình, đền và chùa. Những năm vừa qua, việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhiều cơ sở thờ tự cộng đồng đã thúc đẩy các hoạt động lễ hội phát triển. Các lễ hội ở Hà Nam được tổ chức để bày tỏ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng đối với nhân vật được phụng thờ, tôn kính. Đó là các anh hùng dân tộc trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm, là các danh nhân văn hóa, là những người có công trong việc khai phá đất hoang xây dựng thôn làng, chống thiên tai, người có công truyền nghề hoặc cũng có những thiên thần như thần mây, mưa, sấm, chớp… Những nhân vật này được nhân dân huyền thoại hóa, thiêng hóa có sức mạnh to lớn trong việc phù trợ, ban phước lành, bảo vệ thôn làng ấm no, hạnh phúc. Tham dự các lễ hội ở Hà Nam, điều dễ cảm nhận chính là niềm tin và tấm lòng thành kính đối với các vị thần thánh được dân làng thờ phụng. Họ truyền đời kể cho nhau về gốc tích, huyền thoại xung quanh nhân vật thờ của làng, luôn tự hào với các vị thần bảo trợ.
Với các lễ hội làng ở Hà Nam, người dân luôn là chủ thể của lễ hội. Thường trước lễ hội, dân làng tập trung lên kế hoạch, phân công công việc cho từng người, từ người tế lễ, dâng hương, rước lễ, khiêng kiệu, cầm cờ, bát bảo, chấp kích, phụ trách trò chơi, hậu cần… và người chủ lễ thường là các cụ cao niên trong làng hoặc trong ban quản lý di tích. Trong lễ hội, người dân tuân thủ và thành kính tuân theo các nghi thức truyền thống, việc được tham gia lễ hội, là một thành phần của lễ hội là niềm tự hào, hân hoan với mỗi người dân trong các kỳ hội làng. Có nhiều hội làng vẫn duy trì được các hình thức truyền thống từ lễ cáo yết, tế thánh đến việc thi làm cỗ cúng, biểu diễn các tục múa hát thờ thần, các màn đấu vật hầu thánh, khiêng kiệu rước thánh du xuân hoặc các hoạt động mô phỏng lại các thành tích, công lao của nhân vật thờ…
Các trò hội trong các lễ hội làng cũng phong phú không kém. Những trò hội nghiêng về rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, nhanh nhẹn, có tính cộng đồng luôn được đề cao. Các trò hội như bơi chải, đi cầu khỉ, bắt chạch trong chum, bắt vịt dưới ao, bịt mắt bắt dê, kéo co, đánh đu, vật cầu… luôn làm cho những lễ hội thêm phần tưng bừng, náo nức. Hiện nhiều lễ hội còn tổ chức các giải thi đấu thể thao phong trào thu hút được nhiều người tham gia. Ở các lễ hội vùng, thu hút đông du khách thì việc trang trí khánh tiết, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động đều có sự hỗ trợ của ngành VHTTDL.
Lễ hội truyền thống ở Hà Nam tuy vẫn giữ được nét thuần Việt nhưng nhiều lễ hội việc bảo tồn, lưu giữ, thực hành các nghi lễ truyền thống đã bị mai một do không có người truyền dạy và kế tục. Ở lễ hội làng Yên Trạch (Bắc Lý, Lý Nhân) nhiều người biết đến hội chạy ngựa nhưng trong lễ hội này còn một lễ thức rất quan trọng, đó là lễ tế quan thần nông. Theo tục truyền, để thực hiện lễ thức này người ta phải vớt những thân ngựa (xương tre) lên kết thành một chiếc bè. Trên bè có cắm cờ ngũ sắc và đầy đủ các dụng cụ của nhà nông như cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm, hái được làm bằng giấy với kích thước nhỏ mang tính tượng trưng. Khi đã chuẩn bị xong, người ta sẽ đặt chiếc bè này lên bệ thờ quan thần nông để tế lễ ngài. Mỗi năm sẽ có một giáp cử người đứng đầu vào làm lễ, sau đó người này sẽ đội bè chạy từ bệ thần nông ra “đường đưa bè” ở đồng làng. Trong khi người đội bè chạy, dân làng đứng hai bên lấy những hòn đất nhỏ ném vào bè, người ta quan niệm rằng càng ném nhiều, lúa càng tốt. Tới cuối “đường đưa bè” đã có sẵn một chiếc bè chuối, chiếc bè tre được đặt trên bè chuối rồi đẩy từ đồng ra sông Long Xuyên. Dân làng vẫn tiếp tục chạy theo trên bờ ném đất lên chiếc bè đó. Đây chính là nghi lễ cầu lúa tốt, mạ lên, nhân khang, vật thịnh của nhân dân Yên Trạch xưa kia.
Nhiều trò hội làm nên thương hiệu của các lễ hội truyền thống cũng mai một dần như các trò bơi chải, đua thuyền ở lễ hội chùa Bà Đanh (Ngọc Sơn, Kim Bảng), lễ hội Vũ Cố Đại Vương (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm), lễ hội đình đá An Mông (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên)… Hay như hội cướp cầu ở một số lễ hội chỉ còn là hình thức không mang được tính chất thi đấu khoe tài, khoe thể lực và sự nhanh nhẹn như xưa. Nhiều lễ hội vì thế cũng mất đi tính sôi động và vui vẻ như vốn có.
Trước đây, việc khiêng kiệu, rước kiệu đều là các chàng trai, cô gái thanh tân nhưng ở các lễ hội làng hiện nay đa phần tham gia đều là người trung niên, các cụ cao tuổi. Ở một số lễ hội, người dân còn thụ động trong việc tham gia và thực hành lễ hội truyền thống của địa phương mình, có ý trông chờ, ỷ lại vào cấp trên dẫn đến việc tham gia chưa nhiệt tình, nhất là ở những lễ hội có nhiều chủ thể cùng tham gia như UBND các cấp, ban quản lý di tích, trụ trì chùa, thủ nhang đền… Việc định kỳ tổ chức các lễ hội cũng mỗi nơi mỗi khác, có nơi định kỳ hằng năm, có nơi 3 – 5 năm một lần, có nơi khi nào có kinh phí, xã hội hóa mới tổ chức.
Gần đây, một số hoạt động văn hóa, thể thao của Sở VHTTDL với chủ trương hướng về cơ sở đã được tổ chức ở nhiều địa phương vừa góp phần khôi phục phong trào vừa góp phần gìn giữ những nét đẹp trong các phong tục lễ hội truyền thống, giữ cho lễ hội được tổ chức thường niên động viên tinh thần nhân dân. Việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng như tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được tăng cường đã giúp cho các lễ hội ở Hà Nam vẫn giữ được nhiều nghi lễ truyền thống, đáp ứng nhu cầu gắn kết cộng đồng và nâng cao nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của nhân dân.