Hà Nam khai thác tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp
23/06/2023 | 09:08Tỉnh Hà Nam xác định, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn.
Xã Trác Văn và xã Mộc Bắc của thị xã Duy Tiên là hai xã hoàn thành sớm các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hà Nam và cũng đang hình thành các tuyến du lịch nông nghiệp tại đây. Du khách đến nơi đây có cùng cảm nhận: là vùng quê có cảnh quan đẹp thuần việt, những đường làng, ngõ xóm trải bê-tông phong quang sạch sẽ hai bên đường trồng nhiều hoa xen lẫn các cây bóng mát. Trác Văn được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến tìm về tham quan, trải nghiệm, các mô hình trồng rau hữu cơ của người dân theo hướng thân thiện với môi trường.
Tiêu biểu như mô hình trồng rau hữu cơ, dâu tây và sâm của gia đình anh Nguyễn Văn Phóng ở thôn Lệ Thủy đã trở thành địa chỉ, điểm đến quen thuộc hấp dẫn của nhiều khách hàng và người yêu thích du lịch nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với hơn 3ha đất bãi màu ven sông, gia đình anh đã cải tạo, quy hoạch đất để quay vòng trồng các loại cây rau màu phù hợp, vừa đáp ứng được nguồn cung cấp cho thị trường, vừa mở cửa đón khách tham quan mỗi ngày. Hay mô hình trồng nho hữu cơ của gia đình anh Tuấn ở thôn Tường Thụy, xã Trác Văn cũng là địa chỉ tin cậy được đông đảo du khách từ các vùng tìm về.
Thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên cũng là một địa chỉ tiêu biểu để giới thiệu du khách tham quan khi đến Hà Nam. Với các sản phẩm độc đáo từ tơ lụa, du khách sẽ được tham quan chiêm ngưỡng và trải nghiệm các khâu sản xuất lụa từ thủ công đến hiện đại của làng nghề có hàng trăm năm tuổi. Cùng với đó, du khách còn được sống trong không gian của ngôi làng cổ còn mang dáng vẻ quyến rũ với những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp phủ màu thời gian. Một làng nghề với bao thăng trầm của lịch sử và thời cuộc vẫn đứng vững và duy trì đến ngày nay, một làng nghề đã từng giao thương buôn bán vượt biên giới quốc gia, rộng khắp vùng Đông Nam Á…
Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho rằng: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là vấn đề đang được ngành nông nghiệp thị xã quan tâm và cũng là xu thế tất yếu. Năm 2021, ngành đã tham mưu cho thị xã xây dựng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ hướng đến phát triển đa dạng, chất lượng của các điểm du lịch nông thôn.
Về xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, du khách rất hào hứng khi đến thăm nhà Bá Kiến (một nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao), ngôi nhà được tác giả lấy làm nguyên mẫu trong tác phẩm của mình. Đây là ngôi nhà đặc trưng của tầng lớp trên trong xã hội phong kiến. Với những chứng tích còn dày đặc nơi vùng đất này, xã Hòa Hậu đã được lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch với đặc trưng tái hiện lại đời sống người dân khu vực nông thôn thông qua các hình tượng, câu chuyện trong các tác phẩm của Nam Cao - người con của quê hương. Với hương vị của làng nghề cá kho Vũ Đại nổi tiếng và nghề dệt truyền thống của lách cách tiếng thoi dệt vải, du khách rất hào hứng khi được trải nghiệm thực tế tại vùng đất này.
Du lịch nông nghiệp đã được các hộ dân triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhưng để phát triển bền vững theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, tỉnh đang xây dựng hình thành mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể: Nông dân-Hợp tác xã-Hộ kinh doanh-Doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân tại các làng nghề, cán bộ quản lý văn hóa-xã hội tại địa phương và các chủ thể có hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số điểm du lịch nông thôn và được giới thiệu, quảng bá. Nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Để khai thác tiềm năng cho sự phát triển của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Hà Nam phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trong tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiệu quả; thực hiện tốt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn cần phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch, đặc biệt là do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp. Cần gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp, môi trường sinh thái đặc trưng gắn với chuyển đổi số và phải dựa trên các sản phẩm du lịch (vật thể và phi vật thể) để tạo ra giá trị kinh tế gia tăng.