Hà Nam: Giữ gìn giá trị truyền thống trong lễ hội thời hiện đại
11/03/2024 | 11:16Hà Nam hiện có khoảng hơn 200 lễ hội. Kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa tinh thần, đời sống người dân nâng cao, và các lễ hội ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức. Điều đặc biệt ghi nhận là dù ở trong thời đại công nghiệp hóa, nhưng hầu hết các lễ hội đều giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp, qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng, gìn giữ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội truyền thống làng Phù Đạm (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) được tổ chức vào cuối năm. Đời sống ngày càng khá hơn, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao nên lễ hội ngày càng được quan tâm đầu tư, tổ chức bài bản, quy mô. Những nét văn hóa truyền thống tích cực của lễ hội gần như được giữ gìn và phát huy. Đó là nghi lễ rước Mẫu, Thánh từ các ngôi thờ tự trong làng về đình (địa điểm chính diễn ra lễ hội); rồi nghi thức tế lễ tại đình, và tại đền khi rước trả. Khi thực hiện các nghi lễ này, từ trang phục của người thực hiện, đến quy trình, nội dung đều tuân thủ giống như các cụ trước đây vẫn làm. Đoàn rước, đội tế lễ đều mặc trang phục truyền thống đặc trưng. Đội tế lễ ở các điểm đến rước đón, hay ở điểm chính tại đình, hoặc tại Đền Chánh-điểm rước trả đều thực hiện đúng các nghi thức của tổ tiên truyền lại, tạo không khí trang nghiêm, kính cẩn. Các dòng họ ở làng đều duy trì việc đội mâm lễ về đình để dâng cúng. Ngoài ra, các gia đình trong làng cũng đều góp tiền lễ, và sau khi hội kết thúc được chia lộc là xôi thịt mang về nhà.
Nghi thức rước Mẫu, Thánh về được thực hiện trước ngày diễn ra hội chính. Số người tham gia đoàn rước về quy mô gọn hơn, nhưng vẫn gồm đội lân sư rồng đi đầu, đội trống, kiệu, và những người phục lễ đi cùng, ngoài ra còn người dân trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo dài, hoặc có khi là quần áo bình thường nhưng lịch sự, trang trọng. Đoàn rước trả diễn ra vào ngày chính hội, sau khi thực hiện nghi thức tế lễ ở đình. Đoàn rước trả đông hơn gấp nhiều lần, ngoài đội lân sư rồng, kiệu, còn có đội bát âm, đội múa,… Đoàn rước đón đi đến một số điểm thờ tự, len lỏi vào những con đường nhỏ trong làng. Đoàn rước trả chỉ đi trên con đường chính xuyên qua làng. Hình ảnh đoàn rước đón len lỏi trong những con đường nhỏ, hay đoàn rước trả với lượng người đông kéo dài cả 2-3 km trên con đường chính ở làng, trong trang phục truyền thống sắc màu rực rỡ, âm thanh rộn rã làm sôi động cả vùng quê, tạo nên những hình ảnh vô cùng đẹp trong đời sống hiện đại.
Cùng với phần nghi lễ, hội làng Phù Đạm còn có tổ chức liên hoan văn nghệ, có năm mời đội văn nghệ ở các địa phương khác về giao lưu, có khi mời Đoàn Nghệ thuật Chèo của tỉnh về biểu diễn phục vụ nhân dân. Đồng thời tổ chức các trò chơi truyền thống như đi cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt,…
Có thể nói trong đời sống hiện đại, hội làng Phù Đạm đã làm rất tốt việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Dù đời sống hiện đại có nhiều thứ giải trí hấp dẫn, dù công việc bận rộn, nhưng rất đông người dân Phù Vân đã dành thời gian về dự hội làng, tham gia hội làng, như một nhu cầu không thể thiếu của bản thân, để được sống trong không khí đậm sắc màu truyền thống tưởng như chỉ có ở thời trước đây. Về với hội làng người dân Phù Vân cũng được sống trong không khí giao hòa tình làng nghĩa xóm, phấn khởi, nô nức, sự kết nối cộng đồng chưa bao giờ được phát huy tốt đến thế.
Là mảnh đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, nhiều lễ hội ở Hà Nam lưu giữ những câu chuyện lịch sử đặc sắc, ý nghĩa, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quật cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của lễ hội vừa thể hiện nét văn hóa đa dạng, độc đáo của các vùng quê ở Hà Nam, đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống của cha ông cho con cháu. Ví dụ như lễ hội đền Trúc (Thi Sơn, Kim Bảng) thờ Anh hùng Lý Thường Kiệt. Lễ hội Đền Trúc được tổ chức với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc trong đó có hát Dậm và đua thuyền chải. Hát Dậm và đua thuyền chải đều liên quan đến tích Lý Thường Kiệt năm Kỷ Dậu (1069) chỉ huy đoàn chiến thuyền theo sông Đáy đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam. Khi qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn) thì gặp một trận gió lớn, thấy điều lạ ông sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Sau khi đại thắng, trên đường trở về, đến thôn Quyển Sơn ông cho hạ trại bên rừng trúc làm lễ tạ trời đất, mở hội mừng chiến thắng, người dân cũng tham gia. Tại hội mừng chiến thắng này những cô gái thanh tân trong làng được chọn để dạy các điệu múa hát và biểu diễn, các trai tráng khỏe mạnh tham gia đua thuyền. Những điệu múa hát này chính là hát Dậm. Hằng năm, dân làng mở hội để tưởng nhớ công lao của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, trong hội bao giờ cũng có hát Dậm. Hát Dậm đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được lan tỏa rộng rãi trong đời sống hiện đại. Mỗi năm mở hội là một lần truyền thống lịch sử được nhắc lại, để người dân biết ơn công lao của các bậc tiền nhân, hiểu hơn về lịch sử quê hương.
Hầu hết các lễ hội được tổ chức đều giữ được và phát huy những nét truyền thống tốt đẹp, như các nghi thức tế lễ, rước, các hoạt động chính, đặc trưng tại lễ hội. Một số nơi đưa vào các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, kéo co, rồi thi gói bánh dày. Các hoạt động, trò chơi truyền thống hầu hết thu hút sự quan tâm tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân, vừa thỏa mãn đời sống tinh thần, vừa có sức giáo dục. Nhiều nơi tổ chức thêm một số hoạt động như giao lưu thể thao, văn nghệ, trao quà khuyến học, gặp mặt động viên, tặng quà, tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, cũng rất ý nghĩa và thiết thực.
Bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, việc tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện chủ trương trên được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất sâu sát trong việc định hướng, hướng dẫn, kiểm tra để việc tổ chức lễ hội đáp ứng đúng yêu cầu. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống trong lễ hội thời hiện đại vừa thỏa mãn đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng, củng cố nền văn hóa độc đáo, phong phú, đặc sắc, trở thành điểm nhấn thu hút du khách, đồng thời có tác dụng rất lớn trong giáo dục truyền thống, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.