Hà Nam gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
19/12/2022 | 09:50Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua Hà Nam luôn chú trọng việc phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gắn với bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Tính đến hết năm 2021, Hà Nam có 222 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (đền Trần Thương, chùa Đọi Sơn), 92 di tích cấp quốc gia và 128 di tích cấp tỉnh.
Thấy được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt của các di tích lịch sử, văn hóa đối với phát triển du lịch, những năm qua, Hà Nam đã tiến hành khôi phục, trùng tu, tôn tạo, trong đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước tổ chức bảo tồn, trùng tu; ở nhiều địa phương, người dân cũng bắt đầu có phong trào tự gìn giữ, khôi phục các di tích ở làng, xã, thôn, bản bằng nguồn vốn xã hội hóa. Việc huy động được nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng thêm các công trình phụ trợ đã giúp phát huy tốt giá trị di tích, từ đó giúp các địa phương xây dựng thêm các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới, thu hút nhân dân và du khách thập phương tới tham quan.
Nhiều di sản văn hóa của tỉnh đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng và bảo tồn như: đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lăng… Việc phục dựng, tôn tạo, tu bổ di tích, di sản văn hóa luôn được tiến hành thận trọng, bảo đảm yếu tố gốc, tuân thủ các nguyên tắc kiến trúc truyền thống, với những quy định nghiêm ngặt trong Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan. Hầu hết các di sản văn hóa của Hà Nam đã và đang hấp dẫn du khách nhờ biết phát huy sức mạnh cộng đồng, người làm du lịch đã khai thác các giá trị của di sản, thống nhất lợi ích của bảo tồn di sản với phát triển du lịch bền vững, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam, tỉnh cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, Hà Nam đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản…
Các di tích lịch sử, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Hà Nam; đã và đang tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế, xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa. Nhưng đôi khi sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch lại tác động tiêu cực tới di sản văn hóa: nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống, lối sống địa phương, xâm hại nghiêm trọng di sản. Có địa phương tổ chức tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa chưa theo đúng quy định, chất lượng kém vì nôn nóng muốn thu hút du khách; có nơi sản phẩm du lịch tại một số di sản văn hóa còn phát triển tự phát, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Theo ông Mai Thành Chung - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam: Thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt được hiệu quả cao, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo tồn nguyên trạng di tích. Đồng thời khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; song, cũng cần có giải pháp phù hợp để du lịch có đóng góp quay lại cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di sản văn hóa phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.Lập quy hoạch các di tích trọng điểm, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch không gian văn hóa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn; triển khai dự án bảo tồn khu di tích đền Lăng, khu lưu niệm Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, quản lý tốt công tác tu bổ, bảo quản di tích, tổ chức tốt các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch và hoạt động quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hà Nam đến với du khách trong nước và nước ngoài.