Hà Nam: Bóng đá nữ - Đổi mới để phát triển
06/08/2021 | 14:10Nói đến thể thao thành tích cao Hà Nam không thể không nói đến sự đóng góp tích cực của Bóng đá nữ. Đây cũng có thể được gọi là môn “định danh” cho thể thao Hà Nam trong nhiều năm qua. Nhưng hiện tại, môn thể thao này đang thiếu lực lượng kế cận. Vì vậy, mục tiêu trẻ hóa đội hình đang là yếu tố tiên quyết để bộ môn này tiếp tục phát triển và là môn mũi nhọn của thể thao thành tích cao Hà Nam.
Bóng đá nữ Hà Nam, nòng cốt đều là các nữ cầu thủ được tuyển chọn từ những năm 2000 trở về trước. Họ đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình: Nhiều năm liên tiếp giành Cúp vô địch lứa tuổi trẻ, Cúp Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc, Cúp Bóng đá nữ quốc gia, Cúp Câu lạc bộ (CLB). Nhiều lượt cầu thủ cùng tuyển nữ quốc gia tiếp tục giành Huy chương Vàng qua các kỳ SEAGames, vòng loại châu Á. Hơn 10 năm, những gương mặt: Văn Thị Thanh, Lê Thu Thanh Hương, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Liễu, Bùi Thị Như… đóng góp liên tục cho CLB Phong Phú Hà Nam (PPHN), nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn duy nhất tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Tuyết Dung – 2 lần đạt giải Quả bóng Vàng, 2 lần đạt giải Quả bóng Bạc và 1 lần đạt giải Quả bóng Đồng còn đá trong đội hình chính của CLB. Các cầu thủ khác, trong đó nhiều cầu thủ đá chính cho tuyển quốc gia tuổi thi đấu không còn ở thời kỳ đỉnh cao hoặc muốn lo cho cuộc sống riêng đã rời nghiệp "quần đùi áo số".
Hơn 10 năm không có lực lượng kế cận được lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu (HLTĐ) TDTT cho biết là do nguyên nhân của chất lượng đào tạo trẻ không tốt. Không tốt vì số lượng và chất lượng huấn luyện viên chưa đạt yêu cầu và thứ hai là khó khăn về cơ sở vật chất. Nếu so với các đội bóng đá nữ khác, Ban huấn luyện thường có từ 4 – 6 người thì Ban huấn luyện của PPHN hiện tại chỉ có 2 người. Chất lượng từ giáo án đến cập nhật xu hướng bóng đá mới không kịp thời, cộng với công tác quản lý vận động viên không tốt và yếu tố chủ quan dựa duy nhất vào lực lượng sẵn có đã khiến cho trong một thời gian dài Bóng đá nữ Hà Nam không có lực lượng thay thế và tiếp nối. Nếu so với những cầu thủ “đời đầu”, cơ sở vật chất của các cầu thủ hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, nhưng với số lượng đào tạo dao động khoảng 70 cầu thủ cho bộ môn bóng đá nữ của cả 3 tuyến đào tạo tập trung thì sân vận động hiện đang trong tình trạng quá tải. Nhiều cầu thủ phải tập luyện trên đường pitch thay cho sân cỏ đã ảnh hưởng rất nhiều tới công tác huấn luyện và chất lượng cầu thủ.
Hơn 10 năm không phát triển được lực lượng kế cận đã là một khoảng trống quá dài, vì vậy, để đạt được những thành tích như trước đây của PPHN, công tác chuẩn bị phải ngay từ bây giờ. Trong danh sách đội 1 có 23 cầu thủ chuẩn bị đá cho giải vô địch quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 tới đây có Nguyễn Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Liễu, Phạm Thị Tươi và Lại Thị Tuyết là những tên tuổi cũ. Nhưng thực đá được cho giải đấu sắp tới chỉ có Tuyết Dung bởi 3 cầu thủ kia đều bị chấn thương chưa hồi phục, hoặc mới hồi phục nhưng không bảo đảm phong độ.
Để bổ sung lực lượng, Trung tâm HLTĐ TDTT đã ký hợp đồng chuyển giao cầu thủ với Sơn La và CLB Than Khoáng sản Việt Nam (TKSVN). Cùng với Tuyết Dung, các cầu thủ “ngoại” gồm: Bạc Thị Phượng, Đinh Thị Duyên, Hà Thị Ngọc Uyên (Sơn La) và Phạm Thị Quỳnh (TKSVN) đều là các tuyển thủ quốc gia được coi là nòng cốt cho tuyển PPHN hiện tại. Lực lượng tiếp theo được đôn từ tuyển trẻ (tuyến 2) của Hà Nam lên với một số tên tuổi đã đá Giải vô địch quốc gia năm 2020, như: Trần Thị Lan Anh, Trần Thị Thu Hồng, Nguyễn Thị Nụ, Trần Thị Duyên, Nguyễn Thị Quỳnh…
Nhằm củng cố lực lượng về lâu dài, tại Giải vô địch quốc gia năm 2021, PPHN đã đăng ký thi đấu 2 đội hình: PPHN I, PPHN II. Với đội hình II, trung tâm đã xác định được 29 cầu thủ. Đây đều là các thành viên đội tuyển trẻ với các cầu thủ chủ yếu từ độ tuổi 16 - 17. Nhiều cầu thủ trong đội hình đã được cọ xát, tham gia thi đấu trong lực lượng các CLB khác từ mùa giải năm trước thông qua các hợp đồng chuyển nhượng theo mùa giải giữa các trung tâm với nhau. Trong số đó, nổi bật là các cầu thủ: Chu Thị Trà My, Nguyễn Thị Hạnh, Đinh Thị Hồng Nhung, Lê Thị Hồng Thủy…
Có lực lượng, công tác huấn luyện cũng được trung tâm chú trọng. Trước đây, tuyển PPHN thi đấu chủ yếu dựa vào các tuyển thủ quốc gia, hiện tại với sự trẻ hóa lực lượng, phương pháp huấn luyện cũng phải thay đổi phù hợp. Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm HLTĐ TDTT cho biết: Công tác huấn luyện bóng đá hiện nay chú trọng vào một số kỹ năng của cầu thủ. Với lối đá cũ, cầu thủ di chuyển ít, sử dụng kỹ thuật cá nhân nhiều thì hiện nay công tác huấn luyện sẽ tập trung vào một số kỹ năng, như: không bóng nhiều hơn, trung vệ ngoài khả năng phòng ngự còn biết chuyền dài vượt tuyến tạo sự phản công nhanh hơn, các tiền đạo và tiền vệ di chuyển và phòng ngự ngay trên sân đối phương, các hậu vệ cánh dâng cao liên tục…
Tuy nhiên, để có được những kỹ năng đó yêu cầu các cầu thủ phải có thể lực tốt, liên tục tập luyện, trau dồi kỹ năng. Hiện nay, để tiếp cận hướng đi của bóng đá hiện đại, trung tâm đã rà soát, bổ sung giáo án lên lớp, phương tiện luyện tập và quan tâm chế độ, định mức đặc thù cho các vận động viên thành tích cao. Theo dự báo, để định hình lại, PPHN cần khoảng thời gian 5 năm, từ 2020 – 2025.