Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn

09/09/2022 | 08:00

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nam với các điểm thờ cúng Thánh Mẫu và thực hành nghi lễ Chầu văn tiêu biểu: đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên), đền Cửu Tỉnh (xã Phù Vân, TP Phủ Lý), đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân), đền thờ Nữ tướng Lê Chân (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng), đền Bà Vũ (xã Chân Lý, huyện Lý Nhân)…

Với mong muốn bảo tồn, làm giàu cũng như phát huy những giá trị di sản của nghệ thuật Chầu văn trên địa bàn tỉnh, ngày 8/3/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-UBND thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam. Trụ sở của CLB đặt tại Di tích lịch sử văn hóa đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên).

Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động chủ yếu của CLB là ổn định cơ cấu tổ chức và chiêu mộ hội viên. Ban chủ nhiệm và các thành viên CLB đã làm rất tốt công tác phát triển hội viên. Cuối năm 2013, tổng số hội viên của CLB là 40 người, chủ yếu là thanh đồng, thủ nhang trên địa bàn thị xã Duy Tiên; năm 2015, số hội viên tăng lên 52 và đến thời điểm hiện tại có gần 100 hội viên. Các hội viên tham gia CLB có nhiều người ở các tỉnh, thành lân cận, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình…

Hà Nam: Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn - Ảnh 1.

Một buổi biểu diễn của CLB tại không gian đi bộ TP Phủ Lý.

Ngoài các thanh đồng, thủ nhang, các hội viên còn là các nghệ nhân hát Chầu văn tại các di tích, các nghệ sĩ, trí thức, những người yêu quý và trân trọng giá trị nghệ thuật hát Chầu văn trong tín ngưỡng dân gian diễn xướng hầu đồng. Tham gia CLB, các hội viên không những thỏa mãn được niềm đam mê của mình, mà còn được biết thêm những kiến thức về nghệ thuật hát Chầu văn đúng chuẩn theo vốn có. Ngoài ra, các hội viên còn được đi thực hành nghi lễ ở các điểm di tích. Tính đến thời điểm này, hầu hết số hội viên CLB đã được đi thực hành nghi lễ, họ chính là những nhân tố làm nên những giá đồng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng yêu thích Chầu văn.

Không chỉ trình diễn tại các điểm di tích, diễn xướng hầu đồng gắn với nghệ thuật hát Chầu văn của CLB đã nhiều lần được đưa lên sân khấu các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc quần chúng. Đây đều là những tiết mục được chọn lọc, thể hiện theo đúng tính chất vốn có và luôn nhận được sự cổ vũ của khán giả. Những năm gần đây, tại các hoạt động nhân dịp lễ, Tết, các sự kiện văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh đều có sự giới thiệu, trình diễn các giá hầu đồng và nghệ thuật hát Chầu văn của CLB. Đặc biệt, tại không gian phố đi bộ TP Phủ Lý, các thành viên CLB đã có nhiều buổi biểu diễn phục vụ công chúng, đưa những nét đẹp của di sản văn hóa phi vật thể này tiếp cận gần hơn với công chúng. Một trong những hoạt động thiết thực nữa của CLB là đưa nghệ thuật hát Chầu văn vào những CLB dân ca ở cơ sở.

Bà Đặng Tuấn Dung, Phó Ban Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam cho biết: Ngoài mang tính tâm linh, ở thị xã Duy Tiên những chương trình giao lưu văn nghệ ở thôn xóm, làng xã hoặc trong các hội thi, hội diễn của các cơ quan, đơn vị mà chúng tôi được mời xây dựng chương trình thi đều có các tiết mục hát Chầu văn. Những bài hát Chầu văn về Cô đôi, Cô bé thượng ngàn khi đứng riêng trên sân khấu với âm nhạc và điệu múa đặc trưng đều là những tiết mục ấn tượng và thường được nhận giải thưởng. Không chỉ những bài Chầu văn điển hình trong hệ thống các giá chầu, các bài hát văn lời mới nhưng tuân thủ đúng lối hát được chúng tôi sáng tác vẫn mang được sắc thái tinh tế, phong phú về làn điệu và giàu sắc thái biểu cảm đặc trưng của Chầu văn. Và cũng nhờ có những hội diễn văn nghệ quần chúng mà bài múa hát văn “Cô gái Duy Tiên” của tôi đã được tặng thưởng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016 – 2020).

Bên cạnh các hoạt động tại tỉnh, CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam cũng rất nhiệt tình tham gia những liên hoan diễn xướng Chầu văn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) hoặc các tỉnh, thành tổ chức. Từ năm 2013 đến nay, CLB đã nhận được 5 Huy chương Vàng, nhiều Huy chương Bạc và các giải thưởng xuất sắc do Ban tổ chức trao tặng. Với những hoạt động thiết thực, từ khi thành lập đến nay, CLB còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen do ngành VH,TT&DL và UBND tỉnh trao tặng. Hà Nam cũng nhiều lần được Bộ VH,TT&DL chọn là địa điểm đăng cai tổ chức “Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”.

Để CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam tiếp tục phát triển, bà Đặng Tuấn Dung, Phó Ban Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn cho biết, thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục phát triển hội viên, trao truyền và lan tỏa các nét đẹp của diễn xướng hầu bóng và nghệ thuật hát Chầu văn, CLB sẽ có những hoạt động sưu tầm, ghi chép và quảng bá những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Lảnh Giang nói riêng và những điểm thờ Mẫu nói chung trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Theo Báo Hà Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×