Hà Giang: Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
07/04/2023 | 10:11Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Sau 15 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với hoạt động VHNT, là động lực để lực lượng văn nghệ sỹ hăng say sáng tác, góp phần đưa VHNT phát triển lên một tầm cao mới.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, công tác định hướng tư tưởng hoạt động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự cố gắng nỗ lực của các văn nghệ sỹ đã đưa VHNT phát triển theo đúng đường lối của Đảng, đạt được một số kết quả nổi bật, hoàn thành cơ bản những mục tiêu đặt ra trong nghị quyết.
Để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 23/NQ-TW, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 86-CTr/TU, ngày 1.2.2010 về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Đây là chương trình hành động thiết thực, vận dụng đúng tình hình thực tế của địa phương, triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình 86-CT/TU được tiến hành xuyên suốt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển VHNT tỉnh Hà Giang qua các giai đoạn 2010 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2026) giao cho Hội VHNT triển khai thực hiện, đã tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT Hà Giang phát triển mạnh mẽ. Sau 15 năm, đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã phát triển được 158 hội viên, giới thiệu nhiều hội viên kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương.
Hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT được các văn nghệ sỹ tích cực tham gia hưởng ứng. Nhiều tác phẩm VHNT được đăng tải, giới thiệu, quảng bá trên chuyên trang, chuyên mục của Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn Nghệ Hà Giang... nội dung phong phú, phù hợp với độc giả và khả năng tiếp nhận thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong 15 năm, Hội VHNT đã phát sóng được 120 chuyên mục “Văn học, văn nghệ” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tổ chức được 20 cuộc thi VHNT; 7 lần trao tặng thưởng tác phẩm xuất sắc đăng trên Tạp chí Văn nghệ Hà Giang (khoảng 150 tác phẩm được tặng thưởng); 16 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh và 2 cuộc công bố tác phẩm âm nhạc; 15 đêm thơ, nhạc vào Ngày thơ Việt Nam với hàng trăm tác phẩm thơ, nhạc đặc sắc; đăng tải gần 5.000 tác phẩm lên Trang Thông tin điện tử VHNT. Tham gia nhiều cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt giải cao.
Nhằm nâng cao năng lực sáng tác cho các hội viên, Hội VHNT đã tổ chức được 8 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về sáng tác văn học, nhiếp ảnh, sưu tầm văn nghệ dân gian và lý luận phê bình VHNT (trên 440 lượt hội viên, cộng tác viên tham gia); 13 trại sáng tác (142 lượt văn nghệ sỹ tham gia) và 15 chuyến đi thực tế sáng tác (gần 170 lượt văn nghệ sĩ tham gia); xuất bản được 68 đầu sách VHNT; tổ chức được 6 cuộc hội thảo. Ngoài ra, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy tại các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; tổ chức được 9 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc... Phục dựng, bảo tồn được 38 di sản văn hóa phi vật thể như: Dân ca Bố Y, dân ca Cờ Lao, dân ca Nùng, dân ca Phù Lá, dân ca Tày, Dao... nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.
Để khuyến khích, khơi gợi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sáng tác, nhiều cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được tỉnh quan tâm tổ chức. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức trao 3 đợt giải thưởng Tây Côn Lĩnh (138 giải thưởng) cho các tác phẩm VHNT đạt chất lượng cao của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Phát động cuộc thi sáng tác các ca khúc viết về Hà Giang nhân dịp kỷ niệm 120 năm, 130 năm ngày thành lập tỉnh Hà Giang; về “Thanh niên xung phong mở con đường Hạnh Phúc”; định kỳ tổ chức cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về gương người tốt, việc tốt.... Các cuộc thi đã thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo tham gia, sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đạt nhiều giải cao để lại hiệu quả xã hội tích cực, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, con người Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng từ tỉnh tới cơ sở cần tiếp tục quán triệt sâu rộng các nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) cũng như quan điểm, đường lối của Đảng về văn hoá, VHNT và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc một cách có hiệu quả. Nâng cao nhận thức của các văn nghệ sĩ về vai trò, tầm quan trọng của VHNT. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển văn học, nghệ thuật Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025. Mở rộng hướng đầu tư, quảng bá các tác phẩm VHNT dưới nhiều hình thức. Tập trung bồi dưỡng các văn nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là các văn nghệ sĩ là dân tộc ít người. Phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương, từng tộc người trong sáng tạo nghệ thuật.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đã khẳng định:“Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”. Chính vì vậy, việc quan tâm xây dựng và phát triển VHNT tỉnh Hà Giang một cách toàn diện, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân văn là hết sức cần thiết, làm phong phú hoạt động sáng tạo, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.