Hà Giang: Vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa
25/08/2020 | 09:45Đây là một trong những hoạt động được Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch triển khai thường xuyên nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ "về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa".
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ "về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa" được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh tới cơ sở, trong đó nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ các tệ nạn xã hội.
Việc triển khai được lồng ghép trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của người dân về ý thức tự giác của mỗi cá nhân, gia đình trong việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại. Việc xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống được tổ chức thực hiện có hiệu quả qua Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chỉ thị số 814/CT-TTg đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng góp phần loại trừ những sản phẩm văn hóa độc hại, ổn định an ninh văn hóa – xã hội. Việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện đúng quy định hiện hành. Công tác cấp phép công diễn, biểu diễn nghệ thuật,… được thẩm định chặt chẽ về cả nội dung và hình thức. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, thường xuyên nắm tình hình các lễ hội cũng như các vấn đề liên quan đến vùng dân tộc thiểu số, trong đó chủ động tuyên truyền, ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, các nội dung phản động, đi ngược lại văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các ngành đã phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện các quy chế phối hợp. Thường xuyên phối hợp trao đổi, kiểm tra, xác minh thông tin, thống nhất trong nhận định, đánh giá tình hình, kịp thời tham mưu nhiều chủ trương, biện pháp trong công tác ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành: Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường trong tổ chức các đợt kiểm tra các cơ sở hoạt động, kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn các hoạt động văn hóa không lành mạnh, các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn như: kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, các điểm vui chơi, giải trí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, kinh doanh lưu trú, Internet, massage… Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh internet, dịch vụ photocopy, cửa hàng bán sách, phát hành xuất bản phẩm...
Qua đó góp phần gìn giữ an ninh trật tự, đập tan các âm mưu phản động của các thế lực thù địch, giữ gìn trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.