Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa
27/12/2024 | 09:11Hà Giang, vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng sự đa dạng văn hóa của 19 dân tộc anh em. Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa phong phú để phát triển du lịch, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, phong phú
Với vị trí chiến lược vùng Đông Bắc và điều kiện tự nhiên đặc thù, Hà Giang là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa độc đáo. Các dân tộc ít người như Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo, La Chí… mang đến những giá trị đặc trưng, thể hiện qua phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, cùng các hình thức văn học dân gian, trang phục và kiến trúc đặc sắc.
Nổi bật nhất là Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, minh chứng cho sự sáng tạo và khả năng thích nghi của con người trước điều kiện sống khắc nghiệt. Văn hóa của người Mông tại đây cũng mang đậm dấu ấn với kiến trúc nhà trình tường, bờ rào đá, phương pháp canh tác thổ canh hốc đá và nghệ thuật múa khèn đặc sắc.
Hà Giang còn thu hút du khách nhờ các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa. Tiêu biểu như Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai… Mỗi lễ hội là một câu chuyện văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống và tâm hồn của cộng đồng dân tộc.
Với 131 di sản văn hóa vật thể và 446 di sản phi vật thể, Hà Giang sở hữu kho tàng văn hóa quý giá, đặc biệt là di sản của các dân tộc rất ít người như Bố Y, Lô Lô, Pu Péo. Những giá trị này góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Hà Giang vừa đa dạng, hài hòa, vừa mang đậm sắc thái riêng.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa
Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh triển khai chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa”, tập trung kiểm kê di sản, đánh giá và tu bổ các di tích, danh thắng để tạo ra những điểm đến hấp dẫn.
Các chính sách cụ thể được ban hành như bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào Mông, xóa bỏ hủ tục, giáo dục văn hóa dân tộc trong trường học… Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư phát triển 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, nhiều làng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và nhận giải thưởng ASEAN.
Tỉnh cũng chú trọng đào tạo đội ngũ nghệ nhân dân gian, duy trì hơn 190 Hội nghệ nhân dân gian với trên 9.000 hội viên. Những người này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ mê tín.
Bằng cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Hà Giang không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Trong tương lai, tỉnh tiếp tục đầu tư và phát triển văn hóa gắn với kinh tế - xã hội, góp phần đưa du lịch Hà Giang vươn xa trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Theo Trung tâm Thông tin, Ccucj Du lịch Quốc gia Việt Nam