Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

27/03/2023 | 08:47

Văn học, nghệ thuật (VHNT) là bộ phận tinh túy của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới. Các tác phẩm VHNT là cầu nối quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Bên cạnh đó, thông qua VHNT góp phần quảng bá văn hóa, thiên nhiên, đất nước, con người để thu hút du lịch, phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN.

Hà Giang: Phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) đưa văn hóa truyền thống dân tộc Mông vào giảng dạy trong nhà trường.

Trên tinh thần Nghị quyết 23 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới, trong 15 năm qua, tỉnh ta ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo về phát triển VHNT gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của Đảng, Chính phủ về văn hóa, VHNT, trong đó tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách đầu tư và khuyến khích phát triển VHNT; phát triển văn hóa, con người Việt Nam; văn hóa gắn với du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...

Năm 1992, Hội VHNT tỉnh được thành lập với 10 hội viên. Sau các kỳ đại hội, tổ chức và hoạt động của Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, Hội có 160 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội chuyên ngành, 8 chi hội cơ sở ở huyện, thành phố. Những năm qua, các hội viên của Hội VHNT tỉnh đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, thơ, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc có nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao. Các tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang đến bạn bè trong nước và thế giới. Nhiều tác phẩm có giá trị tham gia các giải, liên hoan nghệ thuật của tỉnh, khu vực, quốc tế và đoạt giải thưởng cao. Một số tập thể hoạt động tích cực và đạt thành tích cao như: Chi hội VHNT thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn...

Hà Giang: Phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới - Ảnh 2.

Múa Khèn Mông, loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc ở huyện Mèo Vạc.

Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các địa phương phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.430 câu lạc bộ các loại với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Câu lạc bộ thơ ca, khiêu vũ... Hàng năm, các đội văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân gian, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật với khoảng 3.000 buổi biểu diễn, sinh hoạt nghệ thuật phong phú chào mừng các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị của địa phương, đất nước.

Cùng với đó, phong trào sáng tác luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, duy trì và phát triển bằng nhiều hình thức như: Phát động sáng tác, tổ chức các cuộc thi, các chuyến đi thực tế, đầu tư hỗ trợ sáng tác... Trong 15 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo Hội VHNT tỉnh tổ chức được 20 cuộc thi VHNT; 7 lần tặng thưởng tác phẩm xuất sắc đăng trên Tạp chí Văn nghệ Hà Giang; tổ chức 16 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh và 2 cuộc công bố tác phẩm âm nhạc tại tỉnh và một số huyện; tổ chức 15 đêm thơ - nhạc vào Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng) tại thành phố và một số huyện trong tỉnh với hàng trăm tác phẩm thơ, nhạc đặc sắc.

Bên cạnh những hoạt động trên, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản VHNT. Trong 15 năm qua, các cấp, ngành đã mở được nhiều lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống, nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc tại các địa phương; tổ chức phục dựng, bảo tồn được 38 di sản văn hóa phi vật thể nhằm khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số đưa vào giảng dạy tại các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh…

Có thể khẳng định, từ việc quan tâm thực hiện nhiều giải pháp, lĩnh vực VHNT của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các tác phẩm VHNT đã góp phần quan trọng vào công tác giới thiệu, quảng bá thiên nhiên, đất nước, con người Hà Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó tạo nền tảng, động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình về phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×