Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Phát triển du lịch ở miền đá Đồng Văn

15/07/2018 | 06:23

Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện của tỉnh Hà Giang. Trong đó, huyện Đồng Văn nằm trọn trong vùng lõi, sở hữu nhiều di sản địa chất, di tích, điểm đến quan trọng như Cột cờ quốc gia Lũng Cú cùng những di sản văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số trên địa bàn với bốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận. Những điều kiện, tiềm năng, lợi thế ấy lại chưa đủ để Đồng Văn phát triển du lịch bền vững, nếu không gìn giữ được những nét riêng.

Từ cột cờ thiêng Lũng Cú...

Từ thị trấn Đồng Văn đến đỉnh chóp Lũng Cú miên man đá, đường đi cheo leo bên vách, bên vực sâu, nhìn lên cao, nhìn xuống thung lũng đều xa ngút tầm mắt. Những vạt hoa kim ngân, hoa bạc hà phớt tím ken dày ở những rẻo đất ven đường. Lũng Cú, núi đá chất ngất lưng trời. Ở đây, cây ngô tựa vào hốc đá mà lên, cây đậu, cây cải nảy mầm đơm hoa trong vách đá; những hốc đá chắt chiu từng giọt nước, nuôi con người qua những mùa đông khắc nghiệt, khô cằn... Vậy mà ở độ cao một ngàn bảy trăm mét, giữa điệp trùng đá xám lại hiện ra một thung lũng bằng phẳng đến kinh ngạc - cánh đồng Thèn Pả. Ngọn núi Rồng sừng sững ở đỉnh chóp Lũng Cú cực bắc, nổi lên giữa cánh đồng, tách biệt với miên man núi đá vây quanh. Trên đỉnh núi Rồng, cột cờ Lũng Cú vút thẳng lên trời xanh với lá quốc kỳ tung bay kiêu hãnh, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bản Lô Lô Chải nhìn từ Cột cờ Lũng Cú.

Theo sử sách, cột cờ Lũng Cú có từ thời Lý. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Thời Tây Sơn, sau khi Vua Quang Trung đánh tan quân Thanh xâm lược, đã cho xây dựng một đồn gác ở đây và cho đặt một trống đồng. Cứ mỗi canh, trống lại được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Vì thế mà nơi này còn có tên là Long Cổ (trống của Vua). Cột cờ hiện nay có tổng chiều cao hơn 33 m, được thiết kế hình bát giác, tám mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Lá quốc kỳ diện tích 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của dải đất hình chữ S, nhìn từ xa trông như ngọn đuốc. Đứng dưới lá cờ thiêng Tổ quốc tại đỉnh chóp cực bắc này, cảm xúc thật thiêng liêng khó tả, như đang nghe cả tiếng trống của những trang sử hào hùng ngàn đời vang vọng, để rồi cảm nhận đến tận cùng sự hùng vĩ của đất trời nước Việt. Các nhà địa chất thì đã chứng minh rằng, cột cờ thiêng Lũng Cú đặt trên đỉnh núi đá vôi hệ tầng Chang Pung - loại đá hình thành sớm nhất, cách đây 545 triệu năm. Thú vị hơn, tại đây có di tích hóa thạch tay cuộn - một loài cổ sinh vỏ cứng sống ở biển bị hóa thạch - được tìm thấy ở xã Ma Lé, ngay khu vực Đồn Biên phòng Lũng Cú. Di tích này minh chứng rằng, hơn 500 triệu năm trước, cao nguyên đá Đồng Văn từng là đáy đại dương. Vì thế, hình ảnh “hóa thạch tay cuộn” đã có mặt trong lô-gô biểu trưng của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, bên cạnh biểu tượng của ngọn núi đá trùng điệp. Và hóa thạch tay cuộn nơi này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2013.

Những người lính biên phòng ở trạm cột cờ quốc gia Lũng Cú (thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú) được giao nhiệm vụ bảo vệ lá quốc kỳ. Thiếu tá Văn Minh Hùng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: Với cán bộ, chiến sĩ ở đây, việc chăm sóc lá cờ đã thành nếp thiêng, giống như chuyện khói hương trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình. Mỗi sáng, họ thay nhau leo lên mấy trăm bậc đá, căng mắt soi từng xăng-ti-mét vải để kiểm tra. Trên độ cao một ngàn bảy trăm thước, gió hú quanh năm, lá cờ nào lâu nhất cũng chỉ trụ được khoảng mười ngày. Có khi chỉ một ngày, do bị gió giật rách, lá cờ được thay luôn để bảo đảm tính tôn nghiêm và hình ảnh Tổ quốc không phút giây nào vắng bóng trên điểm tột bắc này. Hằng ngày, rất đông du khách đến Lũng Cú tham quan, ngắm cảnh và thực hiện nghi thức chào cờ ngay ở đỉnh chóp tột bắc của Tổ quốc. Những lá cờ hạ xuống vẫn được giữ lại để làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, như một kỷ vật của Tổ quốc, một món quà thiêng liêng đối với bất cứ người con đất Việt nào.

Từ một địa danh mang tính biểu tượng về sức sống mãnh liệt, tinh thần độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, Lũng Cú ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của Hà Giang đối với khách du lịch trong nước và ngoài nước. Cột cờ Lũng Cú và những nét giá trị văn hóa, lịch sử được lưu giữ trong cộng đồng dân cư chung quanh là một nét riêng đặc sắc của du lịch trên vùng cao biên cương. Thậm chí, đã có câu nói truyền nhau: “Chưa đến Đồng Văn, chưa leo Lũng Cú là chưa đến Hà Giang”.

... đến việc gìn giữ di sản, phát triển du lịch

Xác định du lịch là lĩnh vực mũi nhọn, huyện Đồng Văn đã đề ra chương trình phát triển du lịch bền vững và dồn lực thực hiện trong hơn hai năm qua. Là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá, Đồng Văn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sở hữu 54 di sản địa chất, địa mạo (chiếm 39% số di sản địa chất, địa mạo của cả vùng cao nguyên đá). Cùng với đó là các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật. Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây hiện vẫn lưu giữ trọn vẹn nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc sắc, như: lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo; lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô.

Từ tiềm năng và thế mạnh phát triển, chỉ trong hơn hai năm qua, Đồng Văn đã thu hút đầu tư phát triển du lịch đạt hơn 186 tỷ đồng, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Không chỉ chăm chút bảo tồn thiên nhiên nguyên sơ, các cấp chính quyền và ngành du lịch tỉnh còn chủ động cải tạo cảnh quan, trồng cây phủ kín đồi rừng và tạo những điểm nhấn tham quan du lịch, dựa trên điều kiện tự nhiên như mở rộng các cánh đồng hoa tam giác mạch theo mùa dọc trục đường chính, tại các điểm tham quan; sản xuất, chế biến những sản phẩm đặc trưng từ tam giác mạch; đào tạo đội ngũ đầu bếp chế biến món ăn truyền thống, giàu bản sắc; quy hoạch, khôi phục các làng nghề truyền thống (tre đan ở xã Sính Lủng, làm khèn ở xã Hố Quáng Phìn, may quần áo Tả Pủ dân tộc Mông ở Phố Bảng; thêu dệt váy áo phụ nữ dân tộc Lô Lô ở xã Lũng Cú...). Nhờ đó, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Đồng Văn. Hiện, mỗi năm Đồng Văn đón hơn 300 nghìn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt hơn 136 tỷ đồng. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2018, huyện đã đón hơn 127 nghìn lượt du khách, trong đó có gần 13 nghìn lượt khách nước ngoài.

Để thành công, phải có yếu tố giữ gìn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa nơi đây. Như khu phố cổ và chợ cổ Đồng Văn ở thị trấn huyện lỵ, mang đậm nét đặc trưng kiến trúc nhà trình tường, lợp ngói âm dương. Buổi sáng, phố cổ là bức tranh hài hòa của hai tông mầu: Rực vàng của nắng và xám nâu của những ngôi nhà cổ. Lúc chiều tà, sự yên bình bao trùm khu phố cổ, những mái nhà trầm mặc nằm dưới các ngọn núi trập trùng. Từ cuối năm 2013, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt việc trùng tu 31 ngôi nhà cổ trong di tích phố cổ Đồng Văn. Nhưng tiến độ chậm, đến thời điểm hiện tại, mới trùng tu xong 27 ngôi nhà. Vì thế, khu chợ cổ (nay trở thành các quán cà-phê) và phố cổ Đồng Văn, dù có sức thu hút đối với du khách vì là nơi lưu giữ dấu tích văn hóa xưa nhất của người Mông, nhưng thật sự không được thành công như mong đợi và cũng là nỗi trăn trở của ngành du lịch tỉnh.

Trong khi dự án bảo tồn, phát huy phố cổ Đồng Văn đang còn ì ạch, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn thì việc triển khai và thúc đẩy các dự án như vậy ở các thôn, bản văn hóa để đón khách du lịch lại cho thấy tính thiết thực, góp phần thu hút khách. Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên (xã Sủng Là) là một minh chứng. Sau khi hoàn thành thực hiện xây dựng làng văn hóa cộng đồng trong năm 2017, Lũng Cẩm Trên đã thu hút cả chục nghìn khách tham quan, đạt doanh thu bán vé 150 triệu đồng/năm. Điểm đến này có sức hút với du khách bởi nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng sự mến khách. Ngôi làng có 61 hộ dân nằm giữa thung lũng thơ mộng, với những ngôi nhà trình tường cổ lợp ngói âm dương. Đan xen với rừng đá trùng điệp là những nương ngô xanh mướt. Trong ba dân tộc cùng sinh sống ở đây (Lô Lô, Mông và Hán), người Mông chiếm 85% dân số. Lũng Cẩm Trên từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Chuyện của Pao” nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Cũng ở đây, nhiều nghệ nhân vẫn lưu giữ được các bài dân ca, dân vũ và nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình. Nghệ nhân Mùa Vản Sáu, 64 tuổi, hiện lưu giữ hơn 360 làn điệu dân ca, bài hát Mông. Làng duy trì được các hoạt động lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp của người Mông và đã thành lập đội văn nghệ dân gian gồm 15 người (độ tuổi từ 14 đến 60), tập luyện, biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc để phục vụ khách tham quan... Tại đây còn thành lập các tổ nghề truyền thống như: May mặc, dệt lanh, thổ cẩm. Nhiều hộ dân ở làng tự làm mới hoặc tu sửa nhà cửa để kinh doanh dịch vụ homestay… Lô Lô Chải là một bản nhỏ của hơn trăm hộ người Lô Lô, nép mình dưới chân núi Rồng, ở chân Cột cờ Lũng Cú. Nhờ vị trí này mà hằng năm, Lô Lô Chải đón gần 10 nghìn lượt du khách đến tham quan, cho doanh thu gần 800 triệu đồng. Dù đến cuối năm nay mới đạt tiêu chí để trở thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu, thôn đã có sáu hộ kinh doanh lưu trú theo hình thức homestay. Nơi đây đang lưu giữ đôi trống đồng cổ của đồng bào Lô Lô (thuộc dòng trống đồng Đông Sơn muộn), là di vật tiêu biểu cho thời kỳ dựng nước, là nét thống nhất trong đa dạng của nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ. Người dân trong bản ngày càng ý thức được việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc để khai thác du lịch. Thôn đã thành lập đội văn nghệ dân gian gồm 20 người (tuổi từ 14 đến 45), thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ đặc sắc, như: Múa cúng tổ tiên, múa được mùa, múa trăng rằm, múa gậy, hát mừng đám cưới, hát giao duyên, thổi sáo, kéo nhị…

Ngày 7/7 vừa qua, sau năm ngày khảo sát tại 45 điểm di sản trên cao nguyên đá Đồng Văn, Đoàn chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu do ông Guy Mác-ti-ni, Tổng Thư ký ban điều phối mạng lưới, làm Trưởng đoàn đã có những đánh giá ban đầu và cho rằng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã bắt đầu đi đúng hướng. Hơn 90% những kiến nghị của đoàn trong chuyến kiểm tra hồi tháng 11-2017 đã được địa phương thực hiện. Tuy nhiên, phần việc phải thực hiện trước mắt khá nhiều, nhất là việc vệ sinh tại các điểm di sản và vùng phụ cận và cung cấp thêm một số hệ thống bảo đảm an toàn cho du khách…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Trung Ngọc, phát triển du lịch bền vững ở Đồng Văn còn những hạn chế, cần khắc phục sớm. Đó là các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ chưa được đầu tư, sưu tầm, dàn dựng bài bản. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ mới được hình thành, phần lớn có quy mô nhỏ. Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch quy mô nhỏ, phạm vi hẹp; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, chưa tạo được các sản phẩm mới, độc đáo có sức thu hút khách du lịch; nhận thức, cách làm du lịch của người dân còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp… Bởi vậy, Đồng Văn còn rất nhiều việc phải làm, với nỗ lực hơn rất nhiều, để vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, vừa khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh.

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×