Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho phát kinh tế và du lịch

04/02/2025 | 09:55

Nói đến Hà Giang là nói đến vùng đất với gần 20 dân tộc anh em chung sống lâu đời, tạo nên một không gian với những giá trị văn hóa dân tộc (VHDT) đặc sắc, riêng có. Những năm qua, Hà Giang đã phát huy các giá trị VHDT, coi đây là lợi thế đặc biệt cho sự phát triển KT - XH, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói - du lịch.

Trên miền đất Hà Giang, cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Pà Thẻn, Nùng, La Chí... đã cùng tạo nên những giá trị VHDT vô cùng đặc sắc. Vì thế, nói đến Hà Giang là nói đến những lễ hội mang đậm giá trị VHDT, như lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội khèn Mông, các lễ thức cầu mùa, lễ cúng thần rừng, các lễ hội Cầu trăng, Nhảy lửa, Gầu Tào… Đến nay, tỉnh khảo sát nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 33 di tích cấp quốc gia, 32 di sản được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các giá trị VHDT phong phú tạo đà  cho phát triển du lịch Hà Giang.

Hà Giang: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho phát kinh tế và du lịch - Ảnh 1.

Đồng bào Lô Lô xã Lũng Cú, Đồng Văn giữ gìn bản sắc dân tộc

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Hoài, Quyền giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: Để phát huy các giá trị VHDT cho phát triển du lịch, những năm qua ngành VHTTDL đã chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Với mục tiêu xây dựng du lịch bản sắc, Hà Giang xác định lấy giá trị VHDT làm gốc để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị VHDT. Từ đó, ngành VHTTDL tham mưu nhiều giải pháp, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn VHDT, đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang. Đến nay, tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, tiêu biểu như: Nặm Đăm (Quản Bạ), Pả Vi (Mèo vạc), thôn Tha (thành phố Hà Giang), Lô Lô Chải (Đồng Văn)... Đón bắt xu hướng và thị hiếu du khách, thời gian qua tỉnh thử nghiệm và tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch tâm linh; các loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm như đua ô tô, mô tô địa hình, dù lượn, chèo thuyền kayak, đi bộ thám hiểu hẻm vực Tu Sản…

Thực tế cho thấy, sức hấp dẫn của các di sản hùng vĩ như Cao nguyên đá, ruộng bậc thang; vẻ đẹp của đồng bào các dân tộc hòa trong thiên nhiên hùng vĩ, các món ăn dân tộc đặc sắc… là những điều mời gọi và níu chân du khách. Vì thế, Hà Giang tự hào là điểm đến của du khách đến từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2024, tỉnh đón 3,286 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 8.149 tỷ đồng.  Năm 2023 được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới tôn vinh là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; năm 2024 là Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á.

Hà Giang: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho phát kinh tế và du lịch - Ảnh 2.

Múa trống của người Giáy, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc

Những năm qua, tỉnh chỉ đạo xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop. Nhờ du lịch phát triển, nhiều sản phẩm như mật ong, chè, cam, dược liệu, nông sản, sản phẩm thủ công nghiệp… của Hà Giang được tiêu thụ rất tốt, vươn ra thị trường quốc tế. Qua đó, tạo ra nhiều công văn việc làm cho người dân; du lịch thực sự trở thành sinh kế và người dân ở nhiều nơi trong tỉnh giờ có thể sống bằng du lịch, dịch vụ với mức thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Du lịch góp phần vào sự phát triển của tỉnh, năm 2024 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7%.

Quyền giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Hoài cho biết thêm: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo bước đột phá về phát triển du lịch theo tinh thần Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra; Hà Giang đã và đang có những chính sách phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến sự bảo tồn các giá trị truyền thống. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển KT - XH. Những nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống, các lễ hội, diễn xướng dân gian đặc sắc gắn với thực hiện Nghị quyết 27 của Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh…, đã đưa người dân tham gia một cách chủ động vào việc bảo vệ, phát huy giá trị VHDT. Các mô hình sản phẩm du lịch giúp du khách được hòa mình trong đời sống văn hóa đặc sắc của Hà Giang.

Hà Giang: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho phát kinh tế và du lịch - Ảnh 3.

Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang được công nhận đạt các tiêu chí “Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định đưa định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá, phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp. Để làm được điều này, chúng ta cần tiếp tục xác định VHDT chính là nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, là một yếu tố đặc biệt của mảnh đất Hà Giang. Trên tinh thần đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2023, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng kết luận và chỉ đạo: Cần đặc biệt quan tâm và triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được vinh danh, gắn với phát triển KT - XH; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giá trị văn hóa đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Qua đó trong tương lai, Hà Giang có thể trở thành một mô hình du lịch bền vững, nơi mà thiên nhiên, văn hóa và con người cùng hòa nhịp phát triển.

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×