Hà Giang: Hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở
07/06/2024 | 14:33Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Thư viện, Bảo tàng, nhà Văn hóa, nhà luyện tập Đoàn Nghệ thuật, nhà tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, sân Xi Măng và nhà Thiếu nhi.
Các thiết chế này đều được quản lý, vận hành tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho nhân dân. Các huyện, thành phố hiện đều đã có trung tâm văn hóa, thể thao, sân vận động, hội trường đa năng, sân khấu để hội họp và tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan của địa phương. Cấp xã có 164/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng; hầu hết các xã, phường, thị trấn, các trường học đều có sân cầu lông, bóng chuyền. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 18 sân vận động, sân bóng đá và sân tập luyện thể dục thể thao; 4 nhà tập luyện và thi đấu có mái che; 20 sân quần vợt, 26 bể bơi, 15 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo.
Thực hiện chủ trương xây dựng, phát triển nền văn hóa mới với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, các ngành, cấp quan tâm các nội dung như: Quy hoạch đất, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, phục vụ nhu cầu thiết thực của nhân dân. Ưu tiên nguồn ngân sách để xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho các xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Các thiết chế nhà văn hóa xã và thôn, bản sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tương đối tốt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút đông đồng bào đến giao lưu, cùng tham gia biểu diễn. Từ đó tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã đưa nhiệm vụ phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào chỉ tiêu Nghị quyết phát triển KT-XH của địa phương mình. Dành nguồn ngân sách để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn bản đồng thời cấp kinh phí đầu tư mới hoặc bổ sung trang thiết bị hoạt động cho hệ thống thiết chế hiện có. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được đổi mới, nâng cao, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Thiết chế văn hóa góp phần bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, trao truyền cho các thế hệ sau. Mặt khác, đó cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, giáo dục về pháp luật để giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới có tiêu chí: Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiêu chí này một mặt góp phần xây dựng Nông thôn mới; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của người dân thành thị và nông thôn.
Ngày nay, thiết chế văn hóa đang đồng hành với đời sống nhân dân trong hưởng thụ các giá trị văn hóa và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhân dân không thể hưởng thụ trọn vẹn các giá trị văn hóa nếu thiếu các thiết chế văn hóa hoặc các thiết chế văn hóa lạc hậu. Do đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tỉnh để cùng tham gia sôi nổi các hoạt động tại thiết chế văn hóa, cũng như quan tâm xây dựng, bảo vệ các thiết chế văn hóa.