Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Giữ sức lan tỏa bền bỉ cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa

01/07/2024 | 16:29

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Mặc dù vậy, việc thực hiện phong trào ở một số nơi vẫn còn những hạn chế nhất định, đòi hỏi sự vào cuộc toàn diện của các cấp, các ngành để phong trào lan tỏa sức sống một cách bền bỉ đến từng thôn, xóm, khu dân cư.

Vào cuối mỗi buổi chiều, sau những giờ học tập, làm việc, lao động, tại các sân thể thao ở thôn, bản, trường học, trụ sở các xã của huyện Hoàng Su Phì lại náo nhiệt, sôi động với các hoạt động thể dục, thể thao của cán bộ, công nhân viên chức và người dân. Trong khi thanh niên sôi nổi với các môn cầu lông, bóng bàn, bóng đá, thì chị em phụ nữ và các cụ cao tuổi lại hào hứng với môn bóng chuyền hơi hoặc thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh. Chị Hoàng Thị Thủy, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) cho biết: Cứ cuối giờ chiều là chúng tôi lại rủ nhau ra sân bóng chuyền hơi ở nhà văn hóa khu dân cư để luyện tập, thi đấu; không khí trên sân lúc nào cũng vui vẻ, phấn khởi, vừa giúp chúng tôi nâng cao đời sống tinh thần, vừa rèn luyện sức khỏe. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao đã trở thành phong trào tự nguyện, tự giác trong nhân dân và ngày càng phát triển sâu rộng, đem lại niềm vui, sức khỏe cho mỗi người.

Hà Giang: Giữ sức lan tỏa bền bỉ cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 1.

Xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu các môn thể thao truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 568 câu lạc bộ thể dục, thể thao; 2.915 đội thể dục, thể thao ở cơ sở; 1.580 điểm nhóm tập thể dục, thể thao với trên 28% tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thường xuyên. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Hiện, toàn tỉnh có 161/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng (đạt tỷ lệ 83,4%); 1.836/2.071 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 88,6%); 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới cũng được các tầng lớp nhân dân tích cực triển khai. Thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ bê tông hóa đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng tăng lên hàng năm từ nguồn kinh phí đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của nhà nước. Các quy ước, hương ước của thôn, bản, tổ, khu phố được thực hiện tốt; các hủ tục trong cưới hỏi, ma chay.... từng bước được xóa bỏ. Các tổ hòa giải ở thôn, bản, tổ khu phố hoạt động có hiệu quả góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, bất hòa xảy ra ngay tại cộng đồng dân cư. Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng cao, trật tự an toàn xã hội trong từng thôn, bản, tổ khu phố được tăng cường.

Hà Giang: Giữ sức lan tỏa bền bỉ cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 2.

Người dân thành phố Hà Giang tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Mặc dù có đến 88,6% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa nhưng do thiếu nguồn lực đầu tư nên cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo, ảnh hướng đến các hoạt động hội, họp, tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân. Công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của phong trào ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức văn hóa ở các xã còn yếu, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tham mưu triển khai các nội dung hoạt động phong trào để thu hút nhân dân tham gia. Chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa thiếu tính bền vững, vẫn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng nam - nữ. Tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội còn xảy ra tại các khu dân cư; đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn bán người, cờ bạc, tín dụng đen diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp...

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sức sống một cách bền bỉ; góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh ở mỗi thôn, xóm, khu dân cư cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; cụ thể hóa các nội dung của phong trào đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương; gắn với đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức văn hóa ở các xã, phường, thị trấn đảm bảo giỏi chuyên môn, kỹ năng, nhiệt huyết, đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào trong tình hình mới.

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×