Hà Giang: Giữ lời Then vang vọng
27/05/2024 | 14:50Nghi lễ Then giữ vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ của người Tày Hà Giang, đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không ngừng phát huy giá trị di sản, tỉnh ta đang có nhiều cách làm trong bảo tồn để nghi lễ Then được lưu giữ trọn vẹn, lan tỏa trong đời sống.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Then có nghĩa là “Thiên” (Trời), được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Nghi lễ Then vừa là loại hình nghệ thuật dân gian, vừa là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái và thường xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa, giải hạn… Người hát Then đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Lời Then là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, giàu nhạc điệu khi hòa với tiếng đàn Tính êm dịu, thanh thoát tạo nên những làn điệu mê đắm. Không chỉ vậy, hát Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, có sự tích hợp của văn học, âm nhạc, múa, trình diễn… Ngày nay, ngoài các bài Then cổ, các làn điệu được thay đổi với nhiều nội dung phong phú như: Ca ngợi quê hương, bản làng, xây dựng Nông thôn mới, đời sống văn hóa.
Năm 2015, nghi lễ Then người Tày Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; tháng 12.2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây vừa là vinh dự cũng đặt ra trách nhiệm lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghi lễ Then xứng đáng với tầm vóc di sản nhân loại. Thực hiện tôn chỉ, mục tiêu của Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của Unesco, thời gian qua tỉnh ta quan tâm xây dựng các kế hoạch dài hạn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then. Trong đó, ngành Văn hóa tập trung nghiên cứu, thực hiện tốt công tác kiểm kê, nhận diện, sưu tầm các bài Then cổ và tư liệu hóa, xuất bản sách, nhạc về hát Then. Ưu tiên bảo tồn di sản trong đời sống thông qua các hương ước, quy ước; tổ chức phục dựng, trình diễn, phổ biến về Di sản Then.
Nghệ nhân dân gian được xem là cầu nối để duy trì “sức sống” cho di sản trong cộng đồng. Thời gian qua, Hà Giang đặc biệt quan tâm, coi trọng và thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích, tôn vinh, phát huy vai trò của các nghệ nhân hát Then. Trong đó, hỗ trợ về kinh phí hoạt động, trang phục, đạo cụ, âm thanh cho các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính tại các xã, thị trấn. Hàng năm, tổ chức tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Then. Thực hiện tốt việc chi trả phụ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân thực hành Then được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định. Với những cách làm thiết thực đó, đội ngũ nghệ nhân đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động trong sưu tầm, truyền dạy, tạo ra sự kế thừa liên tục trong đời sống.
Một trong những giải pháp hiệu quả bảo tồn Di sản Then là tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hành, truyền dạy cho thế hệ trẻ, nổi bật là đưa hát Then vào giảng dạy trong trường học. Trên cơ sở đó, Ngành Giáo dục đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc. Phong trào này được các đơn vị trường học hưởng ứng rất tích cực với việc thành lập các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, mời nghệ nhân về truyền dạy, thu hút nhiều học sinh tham gia. Song song với đó, tỉnh ta quan tâm đưa diễn xướng Then vào phát triển du lịch cộng đồng, sự kết hợp này đã tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, vừa thu hút du khách vừa tạo lan tỏa của Then trong đời sống. Di sản Then Hà Giang đến với đông đảo khách tham quan và công chúng rất phù hợp với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Di sản Then được bảo tồn tạo cơ hội cho cộng đồng, cá nhân ý thức về bản sắc, sự kế tục và thúc đẩy sự gắn kết xã hội. Để di sản có sức sống bền lâu, việc bảo tồn, phát huy giá trị không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước mà cần có sự chung tay, tham gia của cả cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục bảo đảm công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển KT – XH; mở rộng quan hệ hợp tác với tổ chức Unesco và các tổ chức quốc tế để bảo vệ, phát huy giá trị Di sản Then; tăng cường quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa...