Hà Giang: Doanh thu du lịch 9 tháng năm 2023 đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022
10/10/2023 | 08:27Theo thông tin của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, 9 tháng năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đón 2.158.400 lượt du khách, trong đó 218.080 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 1.940.320 lượt người (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm) doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022.
9 tháng năm 2023, ngành du lịch Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu chung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm nỗ lực chỉ đạo, ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh địa phương, phù hợp với từng giai đoạn. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong hoạt động du lịch có hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch và CVĐC được nâng cao. Công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Cơ sở hạ tầng trên vùng CVĐC phục vụ du lịch được tăng cường đầu tư, hoàn thiện; thu hút nhiều dự án đầu tư góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng lên…
Sản phẩm du lịch cộng đồng
Được quan tâm đầu tư với 40 làng văn hóa tiêu biểu theo Chương trình nông thôn mới; 16 làng văn hóa được công nhận là “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hoạt động của các làng được khai thác hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể, huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2023 thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Sản phẩm Du lịch văn hóa
Toàn tỉnh có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các di tích đã được quan tâm đầu tư tôn tạo, phát huy hiệu quả khai thác du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phi vật thể quốc gia tiếp tục được quan tâm khai thác. Phát huy tốt hiệu quả quảng bá thông qua các sự kiện thường niên tạo ra điểm nhấn, sản phẩm du lịch trải nghiệm; có 15 lễ hội được đưa vào đề án, kế hoạch tổ chức định kỳ: Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc, Festival Khèn Mông, Lễ hội thêu, dệt thổ cẩm …
Sản phẩm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Khai thác tốt sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng với các hoạt động tham quan trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu, đặc sản địa phương. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị.
Tận dụng lợi thế, khai thác danh thắng, cảnh quan tự nhiên, hệ thống hang động, sông, suối, thác, hồ hình thành nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và người dân. Xây dựng các tuyến đi bộ phục vụ phát triển du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
Đẩy mạnh gắn kết khai thác trong các chương trình du lịch một số sản phẩm Du lịch địa chất tiêu biểu trên vùng CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Dự án xây dựng công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang đang thi công, dự kiến hoàn thành đầu năm 2025 đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
Sản phẩm Du lịch thể thao, mạo hiểm
Được tổ chức thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia trải nghiệm như: Trình diễn đua xe mô tô tinh thần đá và dù lượn, trèo thuyền Kayak, thuyền ván đứng (SUP) vượt suối thác tại sông Nho Quế (Mèo Vạc), đi bộ chinh phục vách đá trắng; Giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc…
Du lịch thương mại, biên giới
Hiện toàn tỉnh có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch; 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; 201 sản phẩm OCOP được cấp Giấy chứng nhận đạt sao. Hoạt động du lịch gắn với thương mại được đẩy mạnh, tập trung vào một số sản phẩm thủ công truyền thống, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như: Thổ cẩm vải lanh, chạm bạc, đan lát, cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt trâu bò khô, dược liệu… Tổ chức nhiều điểm trưng bày, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Phát triển chợ đêm gắn với phố đi bộ: Phố cổ Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc; phố đi bộ Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang; không gian văn hóa chợ phiên... Qua đó, góp phần giữ gìn, quảng bá văn hoá truyền thống đến với du khách.
Sản phẩm ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống được khách du lịch biết đến. Các sản phẩm hàng hóa lưu niệm được quan tâm đầu tư sản xuất dần chuyên nghiệp, có chỉ dẫn địa lý; ba món ẩm thực tiêu biểu của Hà Giang (Cá bỗng, cháo ấu tẩu, phở ngô) nằm trong danh sách tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.
Hình ảnh văn hóa, con người và cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang đã được lan tỏa rộng khắp trên các trang thông tin đại chúng trong nước và quốc tế tiếp tục khẳng định vị trí địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển.
Tiếp tục giữ vững danh hiệu thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu lần thứ 3 là tiền đề tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phục vụ và phát triển CVĐC trong giai đoạn mới.
Tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch và CVĐC. Trong đó, tập trung mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững. Triển khai đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn. Đẩy mạnh đổi mới hình thức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại tỉnh Hà Giang thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Triển khai tốt đợt đón khách cao điểm khách cuối năm với tâm điểm là Lễ hội Hoa tam giác mạch và đón bằng tái công nhận CVĐC 2023. Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào công tác phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý về du lịch đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng chuỗi cung ứng dịch vụ mùa cao điểm cho du khách. Kịp thời chấn chỉnh xử lý các hành vi, vi phạm đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện.Tập trung bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa, chú trọng thu hút đầu tư vào du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Tăng cường công tác quản lý hệ thống các giá trị di sản CVĐC...Phấn đấu cán đích 3 triệu lượt khách trong năm 2023.