Hà Giang: Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn phát triển du lịch
22/01/2018 | 09:55Nét nổi bật khiến Hà Giang luôn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước chính là sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống, đặc sắc, đậm chất bản địa của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo…
Những di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Quốc gia như: Phố cổ Đồng Văn, Khu di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần); cùng danh thắng Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn... cũng là những nét độc đáo khiến du khách mong muốn được trải nghiệm và khám phá.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 52 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; trong đó, có 23 di tích cấp Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh. Sau khi được xếp hạng, một số di tích được đầu tư, tôn tạo bằng nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh và xã hội hóa. Có những di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” trên cung đường du lịch vùng cực Bắc Tổ quốc như: Di tích Nhà vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, chợ tình Khâu Vai... Ngoài việc xếp hạng di tích, ngành Văn hóa còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di vật, cổ vật, tham mưu cho tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 bảo vật Quốc gia gồm: Chuông chùa Bình Lâm; Bia đá Chùa Sùng Khánh và đôi Trống đồng Lô Lô.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình, cho biết: “Xác định việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu để thu hút du khách, thời gian qua, ngành đã tiến hành khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh và phát hiện nhiều di sản có giá trị để xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ngoài ra, còn tích cực tham mưu UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng nhiều di tích, danh thắng. Đặc biệt, phục vụ việc tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, ngành đã điều tra, khảo sát và xây dựng nhiều hồ sơ di sản văn hóa dân tộc, di sản địa chất đáp ứng các tiêu chí theo khuyến nghị của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu”.
Để việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt hiệu quả, ngành sẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa các dân tộc. Tập trung đầu tư, bảo tồn một số di tích cấp Quốc gia, triển khai quy hoạch tổng thể di tích và lễ hội của tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời quản lý thống nhất các lễ hội, tránh trùng lặp, lãng phí; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sỹ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa.
Theo baohagiang.vn