Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa lễ hội

18/12/2020 | 09:30

Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc từ lâu nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ cùng sự độc đáo, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc. Với 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đặc trưng nhất là các lễ hội truyền thống tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt.

Hà Giang: Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì).

Lễ hội là loại hình di sản văn hóa phi vật thể phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 20 lễ hội truyền thống, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nếu như người Mông có lễ hội Gầu Tào, người Nùng, người Pu Péo có Lễ cúng Thần rừng, người Dao có lễ Cấp sắc, thì người Pà Thẻn có lễ hội Nhảy lửa, người Lô Lô có lễ cúng Tổ tiên, người La Chí có lễ Mừng cơm mới; người Tày có lễ hội Lồng Tồng… Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, đem đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương.

Hà Giang: Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa lễ hội - Ảnh 2.

Trò chơi kéo co trong lễ hội truyền thống của dân tộc Cờ Lao, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Có dịp tham dự Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Hoàng Su Phì mới thấy sức hút của các lễ hội truyền thống đối với nhân dân trong vùng và du khách gần xa. Gầu Tào là lễ hội độc đáo của người Mông đã có từ lâu đời. Trước đây, lễ hội được tổ chức gắn với việc cầu tự, xin thần linh phù hộ cho gia chủ và con cháu mạnh khỏe, có con trai nối dõi tông đường. Dần dần, Gầu Tào trở thành lễ hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng; mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi các nghệ nhân kết thúc phần nghi lễ, phần hội bắt đầu với nhiều trò chơi dân gian bổ ích, lý thú như: Leo cột, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù, đánh yến, hát giao duyên, thi thêu hoa văn, thi giã bánh dày, thi đan quẩy tấu... tạo nên không khí lễ hội hết sức vui tươi, rộn ràng.

Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết: Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Lễ hội Gầu Tào của người Mông còn trở thành điểm hẹn văn hóa của bà con trong vùng và du khách thập phương. Các trò chơi dân gian tại lễ hội luôn thu hút đông đảo sự tham gia, trải nghiệm của khách du lịch. Bên cạnh Lễ hội Gầu Tào, huyện Hoàng Su Phì còn lưu giữ được nhiều lễ hội đậm đà bản sắc của nhiều dân tộc như: Lễ hội Bàn Vương, Lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Tết Khu cù tê của người La Chí; Lễ cúng hồn lúa của người Dao đỏ… Những năm gần đây, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động phục dựng, trình diễn các lễ hội vào nhiều dịp trong năm, đặc biệt là vào Tuần lễ văn hóa Ruộng bậc thang diễn ra vào tháng 9 hàng năm của huyện, để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt chú trọng gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhiều kế hoạch, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Nổi bật như việc tổ chức giảng dạy văn hóa truyền thống cho học sinh các trường trên địa bàn toàn tỉnh; khôi phục các lễ hội truyền thống dần bị mai một như: Lễ hội vỗ mông của đồng bào Mông ở huyện Mèo Vạc, Lễ hội đua cá của người Tày ở huyện Yên Minh…

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư trọng điểm vào một số lễ hội trong năm như: Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa qua những miền di sản Ruộng bậc thang… với việc tổ chức ở quy mô cấp tỉnh cùng sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng hiện có không ít lễ hội đã bị biến dạng, yếu tố truyền thống bị xóa nhòa và bản sắc phai nhạt. Do đó, cần sự vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng và mọi tầng lớp nhân dân trong việc chung tay bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại. Qua đó, không chỉ tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch mà còn góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho muôn đời sau.

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×