Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Góp ý Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai

29/11/2016 | 10:22

Ngày 22/11, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 4822/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc góp ý Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo), tỉnh Gia Lai.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai bổ sung, chỉnh sửa Nhiệm vụ Quy hoạch, cụ thể như sau:

Tên Nhiệm vụ Quy hoạch điều chỉnh thành: “Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo)”.

Căn cứ lập quy hoạch: Bổ sung Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Luật Quy hoạch đô thị năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020.

Vị trí, ranh giới, phạm vi và đối tượng nghiên cứu: Nêu rõ các luận cứ xác định phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch, phạm vi quy hoạch so với khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đã được xác định trong hồ sơ xếp hạng di tích; cơ sở của việc quy hoạch thành hai phân khu, phân khu trung tâm và phân khu sinh thái. Xác định tỷ lệ lập quy hoạch đối với các phân khu này.

Đối tượng nghiên cứu: Làm rõ hơn các đối tượng nghiên cứu, các nội dung nghiên cứu thuộc quần thể di tích Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trên đất Gia Lai, các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường và chính sách có liên quan khác; Bổ sung nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, môi trường cảnh quan xung quanh di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, các quy hoạch, dự án tại địa phương ảnh hưởng tới di tích, thực trạng du lịch tại di tích và địa phương.

Đặc trưng, giá trị tiêu biểu và hiện trạng của di tích:

Mục 1. Các đặc trưng nổi bật của di tích: Cần phân tích và nêu lên các đặc trưng của hệ thống các di tích thuộc phạm vi quy hoạch.

Mục 3. Đánh giá hiện trạng và khả năng khai thác của di tích: Cần đánh giá hiệu quả thực hiện Dự án đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo An Khê trường, An Khê đình - tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 51/QĐ-CT ngày 05/01/2007 của UBND tỉnh Gia Lai và Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 07/8/2007 của UBND tỉnh Gia Lai; phân tích những nội dung kế thừa, những nội dung bổ sung, điều chỉnh khi thực hiện quy hoạch.

Đề xuất định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan:

Mục 2. Đề xuất định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan: di tích lịch sử về phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo) với nhiều địa điểm chỉ còn là phế tích, một số ít các di tích gốc đang bị hủy hoại, do đó định hướng bảo quản, tu bổ gắn kết với tôn tạo, phục hồi để phát huy giá trị di tích trên cơ sở tư liệu khoa học, bảo đảm tính khả thi.

Các nội dung chi tiết của đồ án quy hoạch:

Mục b. Phân tích đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích: bổ sung đánh giá các nội dung: giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các giá trị gắn với cộng đồng các dân tộc sống trong khu vực nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát huy giá trị di tích gắn với các hoạt động du lịch.

Mục g. Đánh giá môi trường chiến lược: bổ sung đánh giá về việc chuyển đổi đất, giải phóng mặt bằng, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động của quy hoạch đến cộng đồng dân cư.

Tổ chức thực hiện lập quy hoạch. Mục 1. Hồ sơ sản phẩm: Đối với phân khu trung tâm có diện tích 15ha, đề nghị lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500. Hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch cần bổ sung ảnh chụp hiện trạng và ảnh tư liệu (nếu có) minh họa nội dung nhiệm vụ.

Bộ VHTTDL có ý kiến về Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử về Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo), tỉnh Gia Lai để UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện Nhiệm vụ quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành./.

Thủy Trịnh


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×