Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giải quyết sai phạm tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Trần tỉnh Thái Bình

11/05/2015 | 17:21

Ngày 07/5, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1746/BVHTTDL-TTr gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc đề nghị chỉ đạo giải quyết sai phạm tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Trần tỉnh Thái Bình.

Căn cứ Báo cáo kết quả kiểm tra theo Quyết định số 67/QĐ-TTr ngày 04/5/2015 về kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt đền Trần tại tỉnh Thái Bình của Thanh tra Bộ và Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL có ý kiến như sau: 12 bia trong khu vực di tích sử dụng vật liệu bền vững là đá xanh Thanh Hóa và đồng, được thiết kế khá lớn với các hoa văn, họa tiết rồng, lá đề, chim thần, hoa cúc dây, sóng nước... đã sử dụng, copy, chỉnh sửa từ các hoa văn họa tiết thời Lý - Trần tại các di tích và hiện vật khai quật khảo cổ như: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Đọi Sơn (Hà Nam), Chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Hoàng thành Thăng Long... Đa phần nội dung các văn bia được trích dẫn trong các tài liệu lịch sử, tuy nhiên, nội dung các văn bia do Ban quản lý Khu di tích tự soạn, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đồng ý; quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, khoa học, còn lẫn lộn về ngữ pháp tiếng Hán cổ đại và tiếng Việt hiện nay; khá nhiều lỗi chính tả và hiện tượng tẩy xóa trên mặt bia; phần dịch sang tiếng Anh còn có chỗ chưa chính xác, có chỗ dịch, có chỗ để nguyên.

Việc Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tự ý đặt 03 bia đá và 03 bia đá ốp chất liệu kim loại đồng vào khu vực bảo vệ I của di tích sau khi xếp hạng di tích cấp quốc gia mà chưa có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng và không thực hiện đúng các trình tự thủ tục theo quy định đã vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.

Đến nay, Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần sau khi di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt lại tiếp tục đặt thêm 03 bia đá có ghi tiếng Việt và dịch tiếng Anh tại 3 đền thờ và 03 bia đá có ghi tiếng Anh tại 03 lăng mộ là vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Nghiêm cấm hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”; Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa: “Những hành vi làm sai lệch di tích: Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích; Mục 1a Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL ngày 19/5/2009 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: “Tăng cường công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hướng dẫn để những người hảo tâm cung tiến những đồ thờ phù hợp, không tiếp nhận các đồ thờ trái với tính chất di tích. Tăng cường giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ di tích”; Vi phạm các quy định của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở VHTTDL, UBND huyện Hưng Hà, Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần tháo dỡ và di dời các bia đá nêu trên ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 15/5/2015, việc đưa các hiện vật vào Khu di tích phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, Sở VHTTDL cần mời các nhà khoa học (sử học, hán nôm, di sản văn hóa, mỹ thuật cổ, bảo tồn di tích...) thẩm định nội dung các văn bia, nếu nội dung có nhiều sai sót thì cần loại ra khỏi di tích. Bia nào đáp ứng yêu cầu nên xem xét làm thủ tục cho phép dựng tại di tích. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×