Gia Lai phấn đấu đến năm 2050 là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”
01/11/2024 | 09:59Đó là một trong những mục tiêu và tỉnh Gia Lai đặt ra trong kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70—KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Phong trào TDTT đạt nhiều kết quả khởi sắc
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDTT. Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng lên rõ rệt theo từng năm. Hiện toàn tỉnh đạt tỷ lệ 34% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; trên 26% hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.
Công tác tổ chức đại hội TDTT các cấp được tổ chức rộng khắp trong toàn tỉnh với sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, 99,5% xã, phường, thị trấn; 100% huyện, thị xã, thành phố và 3 ngành Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quân đội đã tổ chức thành công Đại hội TDTT năm 2022 trên tinh thần “Đoàn kết-Trung thực-Cao thượng-Tiến bộ”.
Hàng năm, các hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức gắn liền với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Nhiều giải thi đấu đã trở thành giải truyền thống và thu hút các đối tượng tích cực tham gia, qua đó tạo không khí vui tươi lành mạnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
100% số xã phường, thị trấn và nhiều cơ quan đơn vị đã xây dựng được sân bãi phục vụ cho hoạt động TDTT như: sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... Công tác giáo dục thể chất trong các trường học cũng được quan tâm. Hiện có hơn 95% các địa phương trong tỉnh đã triển khai dạy môn thể dục 2 tiết/tuần và thường xuyên tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá.
Từ phong trào TDTT ở cơ sở đã phát hiện những tài năng, góp phần bổ sung lực lượng vào cho đội tuyển thể thao tỉnh. Tuy nhiên, công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong các trường học vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu giáo viên thể chất và sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tập luyện của học sinh các cấp.
Mục tiêu đến năm 2030
Triển khai thực hiện Kết luận số 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho việc phát triển phong trào TDTT. Theo đó, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 35,44%, năm 2030 đạt tỷ lệ trên 39,05% tổng số dân. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 28% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 31% tổng số hộ gia đình. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% số xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL và có ít nhất 03 CLB TDTT cơ sở trở lên.
Phấn đấu 100% số trường phổ thông có CLB TDTT; đến năm 2025 đạt từ 75% - 80% và đến năm 2030 đạt từ 85% - 90% số trường phổ thông có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT và giáo viên hướng dẫn thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Số học sinh phổ thông được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt trên 98% và đến năm 2030 đạt trên 99% tổng số học sinh phổ thông các cấp.
Đối với TDTT trong lực lượng Quân đội nhân dân đưa tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên trên 99%. Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sĩ theo quy định 100%. Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định trên 98%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ rèn luyện TDTT thường xuyên trên 65%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định 98%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt trên 93%; 100% đơn vị (cấp Trung đoàn và tương đương) có khu, sân tập luyện thể thao cơ bản, trên 60% đơn vị có hồ bơi đơn giản.
Trong lực lượng Công an nhân dân, tỷ lệ các đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên từ 90% trở lên. Tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định trên 98%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định 100%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định 80% trở lên. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ tập luyện TDTT thường xuyên từ 65% trở lên. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 95% trở lên.
Phấn đấu 100% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh tổ chức Đại hội TDTT các cấp, trên 85% đơn vị cấp xã trở lên tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.
Cùng với các mục tiêu về TDTT phong trào, Gia Lai cũng đặt mục tiêu phát triển Thể thao thành tích cao. Cụ thể, giai đoạn 2023 – 2025 sẽ tập trung tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện thường xuyên từ 80 đến 90 VĐV các đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh ở các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh. Hằng năm, tham gia các giải khu vực, quốc gia, quốc tế đạt từ 30 đến 40 giải và 70 đến 80 huy chương/năm.
Đến giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục tập trung tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện thường xuyên từ 100 đến 120 VĐV các đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh ở các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh. Hằng năm, tham gia các giải khu vực, quốc gia, quốc tế đạt từ 40 đến 50 giải và 80 đến 100 huy chương/năm.
4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh ủy cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới. Theo đó, các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về TDTT.
Cùng với đó, các sở, ngành liên quan, chính quyền các cấp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TDTT; chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT ở tỉnh trong giai đoạn mới;
Nghiên cứu, áp dụng cơ sở pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa phù hợp với điều kiện của tỉnh; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế và ưu đãi đối với VĐV, HLV, nhân tài trong lĩnh vực TDTT theo đúng quy định của pháp luật.
Chú trọng phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Chủ động phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng; quan tâm đến các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động TDTT.
Đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ thể thao. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển các loại hình hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia hoạt động TDTT, phát triển thể chất. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên, giảng viên về TDTT cho các cấp học; quan tâm nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, TDTT trường học.
Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo VĐV, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng VĐV, HLV, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng việc học tập văn hóa, chính trị, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo VĐV, HLV, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng vận động viên hợp pháp.