Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gia Lai lưu giữ hơn 5000 bộ cồng chiêng

28/11/2018 | 08:45

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, Tây Nguyên hiện còn khoảng 10.000 bộ cồng chiêng thì Gia Lai đã chiếm phân nửa với hơn 5.000 bộ.

Ảnh minh họa 

Trong những năm qua, công tác lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng được các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cồng chiêng được truyền dạy cho thanh-thiếu niên ở các buôn làng và trở thành hoạt động thường xuyên; hàng năm đều tổ chức liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên toàn tỉnh. Ngoài ra, một số huyện còn có đội chiêng nữ. Tại liên hoan cồng chiêng ở các huyện Kbang, Kông Chro, Chư Pah… gần đây, ngoài đội chiêng truyền thống, sự góp mặt của các đội chiêng nhí, chiêng nữ cho thấy cồng chiêng có sự tiếp nối, trao truyền một cách tự nhiên.

Đặc biệt, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra tại TP. Pleiku từ ngày 30/11 -2/12 lần này sẽ mang thông điệp đầy ý nghĩa về hành trình kết nối, tôn vinh di sản của “Không gian văn hóa cồng chiêng”. Trong khuôn khổ Festival 26 đoàn nghệ nhân của 4 tỉnh Tây Nguyên và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai (tổng số hơn 1.000 người) sẽ mang đến những màu sắc văn hóa khác nhau, làm nên một lễ hội đúng nghĩa.

Festival sẽ có những nghi lễ gắn liền với lễ hội lớn của các dân tộc được phục dựng mang đến bức tranh nhiều gam màu về lễ hội dân gian Tây Nguyên. Đó là lễ cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê Đê (tỉnh Đak Lak), lễ cúng sức khỏe của người MNông (tỉnh Đắk Nông), lễ cầu an của dân tộc Bahnar (tỉnh Kon Tum), lễ sạ lúa của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) và lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar (tỉnh Gia Lai). Thông qua các lễ hội này, người xem sẽ hiểu thêm sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, hiểu thêm những thành tố tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng-di sản phi vật thể của nhân loại.

Festival lần này còn là một cuộc tổng rà soát hiện trạng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thảo bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đây là hội thảo rất quan trọng để đánh giá lại công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản nhân loại ở 5 tỉnh Tây Nguyên, xác định chiến lược bảo tồn để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực phát triển ở địa phương cũng như khu vực.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị từ lễ tân, khánh tiết, tài chính, an ninh trật tự đến nội dung… đều đã sẵn sàng để có một lễ hội diễn ra thành công như mong đợi.

Lan Anh (t/h)

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×