Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gia Lai: Liên kết quảng bá, phát triển du lịch

28/11/2022 | 15:50

Mới đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Hội nghị là dịp để Gia Lai giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch hấp dẫn đến các doanh nghiệp nhằm kết nối, thu hút khách.

Gia Lai: Liên kết quảng bá, phát triển du lịch - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm độc đáo

Tại các hội nghị, tỉnh Gia Lai đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, thắng cảnh nổi bật, tiềm năng khai thác các tour, tuyến và những giá trị ẩm thực độc đáo của địa phương.

Gia Lai được biết đến là địa phương có lợi thế về sinh thái rừng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ như Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Mơ; các điểm du lịch sinh thái thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng như thác 50, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Gia Lai còn là cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa bản địa người Jrai, Bahnar và là địa phương còn lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Nhiều di tích văn hóa-lịch sử có giá trị như Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, di tích quốc gia Chiến thắng Plei Me, di tích Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr (quê hương Anh hùng Núp), Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh (xã Krong, huyện Kbang)… tạo cho Gia Lai thế mạnh về các loại hình du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch văn hóa.

Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc trưng như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện), hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai), ngày hội du lịch huyện Kbang…

Với lợi thế đó, Gia Lai xác định du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa là định hướng chính trong phát triển du lịch của địa phương. Những năm gần đây, Gia Lai được xác định là điểm đến mới hấp dẫn trong chương trình du lịch Tây Nguyên.

Làm mới sản phẩm để thu hút du khách

Trước những khó khăn do dịch Covid-19, ngành du lịch Gia Lai đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình kích cầu, phục hồi, trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, liên kết với các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chương trình nhằm tăng cường khả năng liên kết, khai thác hiệu quả thị phần khách du lịch tiềm năng của 2 thị trường lớn nhất cả nước và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao lưu, kết nối, xây dựng các các tour, tuyến mới.

Gia Lai: Liên kết quảng bá, phát triển du lịch - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm dù lượn trên núi lửa Chư Đang Ya.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây là dịp để Gia Lai giới thiệu những chương trình du lịch đặc sắc, chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển đến doanh nghiệp cả nước, trên cơ sở đó nhằm liên kết, trao đổi để tăng lượng khách. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đồng hành, kết nối thường xuyên với Gia Lai để khai thác nhiều điểm du lịch mới, hỗ trợ cho du lịch Gia Lai ngày càng phát triển.

Nhân sự kiện này, các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất, đóng góp thiết thực để du lịch Gia Lai hoàn thiện những tour, tuyến mới; tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp khai thác, kinh doanh dịch vụ, tăng chất lượng sản phẩm du lịch. Bà Nguyễn Thị Khánh-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Hiệp hội và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Gia Lai trong liên kết, phát triển du lịch. "Theo thông tin từ các công ty lữ hành, Gia Lai đang là điểm đến mới hấp dẫn. Không chỉ có khách nội địa, chúng tôi sẽ đưa khách quốc tế đến với Gia Lai trong chương trình liên kết phát triển du lịch 2 địa phương. Chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch như cơ sở lưu trú, địa điểm tổ chức hội thảo, hội nghị thật quy mô, đẳng cấp, chuyên nghiệp. Ngoài khai thác các điểm đến hiện có, Gia Lai cần quan tâm đầu tư, nâng tầm các sản phẩm du lịch thật sự chất lượng. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ đưa các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát du lịch Gia Lai, tìm hiểu, nghiên cứu những điểm đến hấp dẫn mà chúng tôi chưa khai thác được như Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đây là những điểm đến quá độc đáo nhưng đồng thời cũng là di sản thiên nhiên ban tặng, do đó khai thác phải đi đôi với bảo tồn và bảo vệ được môi trường sinh thái lẫn môi trường văn hóa của cộng đồng bản địa. Bởi phát triển du lịch bền vững là điều mà những người làm du lịch luôn hướng tới"-bà Khánh cho biết.

Theo Báo Gia Lai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×