Gia Lai: Hội thảo di tích "Địa điểm diễn ra trận tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ năm 1972"
10/12/2021 | 22:09Ngày 9/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức Hội thảo khoa học về Di tích lịch sử "Địa điểm diễn ra trận tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ năm 1972" để lấy ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ di tích trình UBND tỉnh xếp hạng theo quy định.
Dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các nhân chứng lịch sử.
Theo hồ sơ di tích, cuối tháng 4, đầu tháng 5/1972, Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 20 được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao nhiệm vụ cắt đường 14 và đánh địch giải tỏa mở đường khác ở phía Nam thị xã Kon Tum, tạo điều kiện cho chủ lực Mặt trận vây ép tiến công giải phóng thị xã này, thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch Xuân Hè năm 1972.
Trước tình hình đó, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng Hòa vội vã đưa Trung đoàn 45 và một số tiểu đoàn khác tổ chức nhiều cuộc hành quân nhằm mở thông đường 14 để đưa lực lượng lên ứng cứu giải tỏa đồng bọn đang bị vây ép ở Kon Tum.
Quyết tâm đánh bại âm mưu của địch, Tiểu đoàn 20 (D20) được giao nhiệm vụ tập kích cứ điểm 42 tiêu diệt Sở Chỉ huy Trung đoàn 45 (CHS/E45) và trận địa pháo, đạp nát Sở Chỉ huy cùng các cuộc hành quân mở đường.
Đêm mùng 5 rạng sáng ngày 6/5/1972, Tiểu đoàn Đặc công 20A thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) phối hợp với Nhân dân và bộ đội địa phương đã chia làm 4 mũi tấn công thọc sâu đánh vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 45, diệt khí tài của địch. Sau hơn 1 giờ chiến đấu đầy mưu trí, dũng cảm, trận tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ đã kết thúc thắng lợi. Chỉ huy sở Trung đoàn 45, trận địa pháo và nhiều sinh lực địch bị diệt, đập tan cuộc hành quân giải tỏa mở đường 14 của chúng; gần 30 cán bộ chiến sĩ ta hy sinh và mãi mãi nằm lại chiến trường.
Việc đánh vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 45, tiêu diệt cứ điểm 42 Biển Hồ góp phần bẻ gãy hệ thống đồn bốt liên hoàn của địch giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đánh thiệt hại nặng về sinh lực, vũ khí và giáng một đòn mạnh vào ý chí tinh thần của địch, đồng thời phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng hoạt động và phát triển lực lượng cách mạng của ta.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng; trong đó đa số đều đồng ý với những nội dung trình bày trong lý lịch. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý về cách diễn đạt, tên gọi di tích, chú thích tài liệu... Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức sẽ tập hợp, chỉnh sửa; đồng thời sớm hoàn thiện, chỉnh sửa hồ sơ di tích để đề nghị UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh trong thời gian tới.